Làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng trong buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế ngày 18/10, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, quy trình chọn Thứ trưởng cho vị trí đang khuyết ở Bộ đảm bảo minh bạch, chặt chẽ.
Chọn Thứ trưởng = 3 vòng bỏ phiếu
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định quy trình bổ nhiệm cán bộ, từ cấp cục, vụ tới cấp Thứ trưởng đều dân chủ, minh bạch, chặt chẽ.
Trước đó, bắt đầu buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt một chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ với Bộ Y tế là cần xem xét lại công tác cán bộ, quan tâm vấn đề đoàn kết trong nội bộ khi đã có những thông tin, phản ánh không hay liên quan đến việc kiện toàn bộ máy nhân sự lãnh đạo bộ này.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, quy trình bổ nhiệm cán bộ, từ cấp trưởng, phó các cục, vụ, đơn vị tại Bộ hết sức chặt chẽ, công khai, dân chủ, minh bạch và tương đối thận trọng, căn cứ trên quyết định của Ban chấp hành TƯ và Bộ Nội vụ. Các vị trí cấp trưởng, phó cục, vụ đều phải qua quy trình 2 vòng lấy phiếu vô định rồi Ban cán sự Đảng Bộ mới duyệt.
Cụ thể về công tác kiện toàn vị trí một Thứ trưởng đang còn khuyết, người đứng đầu Bộ Y tế cho biết, ở cấp này, sau lấy phiếu vô định, Bộ còn xin ý kiến, lấy phiếu thăm dò tín nhiệm tại 63 Sở Y tế các tỉnh thành. Như vậy là có 3 vòng bỏ phiếu, một vòng trong phạm vi các cán bộ chủ chốt, một vòng trong Thường vụ Đảng uỷ và một vòng trong Ban Cán sự Đảng Bộ để chọn ra 2 ứng viên. Sau đó, trước Ban Cán sự Đảng Bộ, mỗi ứng viên được yêu cầu trình bày 15 phút rồi Ban Cán sự mới bỏ phiếu quyết định.
Về những trường hợp cụ thể có thông tin “ì xèo” vừa qua như việc bổ nhiệm Giám đốc các bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Hữu Nghị Việt – Tiệp, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bộ trưởng Y tế giải thích.
Việc bổ nhiệm những chức danh này chậm trễ do bản thân các bệnh viện này không tìm ra được ai hơn ai sau nhiều vòng lấy phiếu. Các bệnh viện sau đó đã đề nghị Bộ quyết định giúp. Bộ Y tế khi đó dự định thi tuyển giữa các ứng viên “ngang tài ngang sức” nhưng xin đề án thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó yêu cầu chờ có hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương. Việc chờ quy trình như này mất hơn 1 năm.
Đến Chính phủ khoá mới, Bộ trưởng Y tế tiếp tục xin ý kiến và được đồng ý để làm quy trình bổ nhiệm giám đốc cho 3 bệnh viện này thì cán bộ được chủ trương điều động từ bệnh viện Việt Đức sang làm Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị lại không “thuận”, viết tâm thư gửi lên. Giải quyết việc này khiến công tác bổ nhiệm các chức danh nói trên tiếp tục chậm lại.
Về thông tin tố cáo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Văn Tác về việc bổ nhiệm lãnh đạo bệnh viện Mắt Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo, Bộ Y tế đã lập đoàn thanh tra. Đoàn đã làm các quy trình nhưng chưa ra kết luận thì lại có đoàn thanh tra của Đảng uỷ Khối các cơ quan TƯ cùng vào cuộc nên Bộ muốn chờ kết luận của cơ quan này.
Nhận định chung, Bộ trưởng Tiến khái quát, Bộ Y tế cho rằng, nội dung tố cáo không có chứng cứ.
“Để tồn dư quỹ bảo hiểm y tế là có tội với dân”
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng tại cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế.
Về vấn đề có hiện tượng lợi dụng, ảnh hưởng xấu đến chính sách bảo hiểm y tế mà Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Huy Quang giải trình thêm.
Ông Quang khẳng định không chuyện việc lạm dụng dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế vì thực tế quỹ bảo hiểm y tế hiện vẫn đang kết dư. Năm nay, do nhiều yếu tố, quỹ bảo hiểm có hiện tượng bội chi (do điều chỉnh viện phí, do mở rộng nhóm các kỹ thuật cao được chi trả bảo hiểm…) nhưng số này thấp hơn nhiều số kết dư, không có nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm trong ngắn hạn.
Nghe báo cáo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không tán thành. Ông nhấn mạnh: “Để kết dư tiền bảo hiểm y tế là có tội với người dân vì điều đó có nghĩa người nộp tiền mua bảo hiểm nhưng khi điều trị bệnh lại phải bỏ tiền túi ra nhiều. Người dân sẽ không an tâm, không tin tưởng vào việc tham gia bảo hiểm. Khi ở địa phương, tôi cắt hết thi đua những người để kết dư quỹ bảo hiểm y tế”.
Tán thành quan điểm này, Bộ trưởng Y tế cũng khẳng định, phải đặt quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế lên trên hết, không để người dân nộp tiền mà không được hưởng dịch vụ tương xứng.
Tại cuộc kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác cũng “truy” Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ Y tế về việc tiền rót về cho dự án trọng điểm xây dựng 5 bệnh viện vệ tinh nhằm giảm tải cho những bệnh viện lớn ở TƯ.
“Có tiền mà không thể giải ngân được, khó khăn chính từ chỗ này. Ban Quản lý dự án cũng nói khó lấy tiền từ chỗ Vụ Tài chính Bộ nhất. Kiểu này thì xây xong bệnh viện cả năm sau chắc cũng chưa thể đi vào hoạt động được vì lại còn quy trình đấu thầu thiết bị không đơn giản gì tiếp nối nữa. Trách nhiệm này là của Bộ Y tế” – Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Y tế xác nhận, có hiện tượng giải ngân chậm, nhà thầu phải thi công khối lượng công việc lớn mà không lấy được tiền, nhà thầu được thanh toán rất thấp so với khối lượng công việc nên “ta thán”. Vấn đề này cần sớm khắc phục.
Nguồn Dantri.com.vn