Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Bác sĩ 10 chuyên khoa cứu bé sơ sinh bị bướu máu

Khối bướu máu như một con quái vật hút hết máu trong cơ thể em bé. Bệnh viện phải huy động cả 10 chuyên khoa và ngân hàng máu để cứu bé sơ sinh ngay trong dịp tết.

Bác sĩ Tâm chăm sóc bệnh nhi tại Khoa Hồi sức Sơ sinh /// Ảnh: Nguyên Mi

Bác sĩ Tâm chăm sóc bệnh nhi tại Khoa Hồi sức Sơ sinh

Bé trai (sinh ngày 31.1, tức mùng 4 tết, tại TP.HCM, nặng 2,5 kg) ngay khi vừa chào đời, bác sĩ phát hiện có bớt máu trên mặt và bướu máu to ở đùi phải. Khối bướu phát triển rất nhanh. Em bé ngay sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Hôm nay (6.2), bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết em bé bị bướu máu lan tỏa toàn thân, khối bướu máu to (khoảng 10x12 cm) “ôm” gần như trọn đùi phải. Các kết quả xét nghiệm cho thấy em bé bị giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu khác rất nặng, gây hiện tượng chảy máu không cầm, xuất huyết não.
Tình trạng trên khiến bệnh nhi đối mặt với nguy cơ tử vong.
“Bé nhập viện vào tối mùng 5 tết. Ngay đêm đó, bác sĩ trực đã lập tức thực hiện các biện pháp cầm máu, chống thiếu máu cho em bé. Đặc biệt là huy động nguồn máu để truyền cho bé”, bác sĩ Tâm nói.
Theo bác sĩ Tâm: Vì bé sơ sinh mới được 2 ngày tuổi nên việc tìm nguồn máu phù hợp để truyền rất khó khăn, nhất là lại ngay dịp tết. Máu truyền cho em bé phải phù hợp với nhóm máu của bệnh nhi, đồng thời phải phù hợp với nhóm máu của mẹ bệnh nhi (để không xảy ra hiện tượng phản ứng do bất đồng nhóm máu vì em bé sơ sinh trong cơ thể vẫn còn ảnh hưởng, có máu của mẹ). Thêm một yếu tố nữa là em bé mới 2 ngày tuổi nên máu truyền vào phải là máu mới (trong vòng 2 ngày). Trong khi đó, máu dự trữ ở các bệnh viện cho dịp tết hầu như mới nhất đều ít nhất đã 6-7 ngày.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đã huy động sự hỗ trợ từ ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện trong thành phố.
Tuy nhiên, bác sĩ Tâm giải thích: “Khối bướu máu như một con quái vật hút hết máu trong cơ thể em bé. Máu chứa hết trong khối bướu này - như một hồ dự trữ, còn cơ thể em bé thì thiếu máu. Vì vậy, có truyền bao nhiêu máu cho bé thì cùng đều dồn về khối bướu. Khối bướu ở chân bệnh nhân phát triển rất nhanh, còn em bé vẫn thiếu máu”.
Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phải hội chẩn 10 chuyên khoa và quyết định phẫu thuật can thiệp cứu bệnh nhi. Các bác sĩ đã phẫu thuật bít các mạch máu đến bướu. Đồng thời cũng “sửa” dị tật tim bẩm sinh cho em bé.
Sau đó là ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ để cắt bỏ trọn khối bướu máu cho em bé.
Hiện nay, sau 4 ngày phẫu thuật, tình trạng xuất huyết gây mất máu ở bệnh nhi đã được chặn đứng. Bé không còn phải truyền máu và các yếu tố đông máu bổ sung. Tình trạng xuất huyết não của bệnh nhi cũng dần phục hồi.
“Bệnh nhi vẫn được theo dõi chặt chẽ để xử trí tình trạng xuất huyết não. Em bé vẫn được cho thở máy”, bác sĩ Tâm thông tin.
Theo bác sĩ Tâm, bướu máu của em bé là bẩm sinh nhưng không phải do di truyền hay mẹ truyền sang. Thông thường, các trường hợp bướu máu diễn tiến rất chậm, qua thời gian dài mới phát triển lớn nhưng với trường hợp này diễn tiến vô cùng nhanh.
Đây là trường hợp bướu máu lớn nhất, ở bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mà Bệnh viện Nhi đồng 1 từng tiếp nhận.
Nguồn Thanhnien.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image