Nhằm hướng dẫn kỹ năng Hồi sinh tim phổi cơ bản cho cộng đồng, với mong muốn nâng cao tỷ lệ người dân tiếp cận và thực hiện được kỹ năng này, ngày 5/4/2024 Phòng Công tác xã hội phối hợp cùng Trung tâm Cấp cứu A9 và Viện Đào tạo Nghiên cứu y dược Bạch Mai đã tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe chủ đề: Hướng dẫn kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn tại cộng đồng.
“Thời gian là vàng nhưng an toàn là mạng sống”
Chia sẻ với báo chí và người dân, Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9, gương mặt thân quen với cộng đồng mạng qua nickname Húng Ngò, tác giả của nhiều cuốn sách: Để yên cho bác sĩ hiền, nhật ký covid, 3 phút sơ cứu.... đặc biệt nhấn mạnh: Khi tham gia sơ cấp cứu trong mọi tình huống, hãy chú ý đến tính an toàn, đúng đắn và pháp lý. Sau cùng mới là vấn đề đạo đức. Nguyên tắc quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho mình trước bởi, “Thời gian là vàng nhưng an toàn là mạng sống”.
Mục đích của sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục. Bởi vậy, theo BS. Ngô Đức Hùng, nguyên tắc chung của sơ cấp cứu phải là: An toàn; Không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu; Bình tĩnh và luôn cần sự trợ giúp; Hành động thống nhất; Đề phòng lây nhiễm: Đeo găng tay hoặc sử dụng túi nilon khi tiếp xúc với vết thương; Rửa tay trước và sau khi sơ cứu; Xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu.
Việc sơ cấp cứu được tiến hành theo các bước: Đánh giá hiện trường; đánh giá ban đầu về tình hình nạn nhân; gọi trợ giúp (113,114,115) rồi mới sơ cứu và vận chuyển. BS Hùng lưu ý khi gọi cho số máy khẩn cấp, cần xưng danh và cho số điện thoại của người sơ cứu, rồi thông báo về loại tai nạn, tổn thương và mức độ nghiêm trọng; số lượng, giới tính, độ tuổi của các nạn nhân; tình trạng nguy hiểm tại hiện trường như có chất cháy, nổ, khí độc hay không và nói rõ địa điểm xảy ra tai nạn. “Vừa cấp cứu vừa gọi người tới hỗ trợ”, BS. Hùng nhấn mạnh.
Trong các vụ nạn lao động hay tai nạn giao thông, phải luôn chú ý tới cột sống cổ, để tránh trường hợp kể trên khiến bệnh nhân bị liệt hoàn toàn do sơ cứu sai cách. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc nên xử trí thế nào với người bị tai nạn giao thông, nếu người dân không nhận biết được nạn nhân có bị gãy đốt sống cổ hay không, BS. Hùng khuyến cáo: Với tất cả các nạn nhân bị tai nạn giao thông, đề phòng họ bị gãy đốt sống cổ, nên giữ cho họ nằm yên và cố định cổ bằng vật cứng như nẹp, mảnh gỗ, thậm chí bằng 2 viên gạch 2 bên, trước khi nhân viên y tế đến.
Các bước hồi sinh tim phổi cơ bản cho nạn nhân
Hồi sinh tim phổi cơ bản là bước đầu tiên trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân, cần được thực hiện ngay lập tức bởi người chứng kiến, nhằm duy trì tuần hoàn và ô xy cho não và các cơ quan khác cho đến khi hồi sức tim phổi nâng cao hoặc các can thiệp khác có thể được tiến hành bởi đội cấp cứu ngoại viện và nhân viên y tế được đào tạo.
Để hỗ trợ cấp cứu cho người không may gặp nạn, cần tuân thủ theo các bước: Đánh giá hiện trường - Đánh giá ban đầu - Gọi trợ giúp - Thực hiện sơ cứu và vận chuyển.
“Đầu tiên cần đảm bảo hiện trường là an toàn cho bạn để tiến hành cấp cứu cho nạn nhân (cần quan sát nhanh tìm các yếu tố có thể nguy hiểm như: cháy nổ, nguồn điện, khí độc…).
Đánh giá sự thức tỉnh của nạn nhân: kích thích và hỏi to xem liệu nạn nhân có ổn không. Nhìn vào lồng ngực và toàn thân để xem nạn nhân có cử động hoặc thở bình thường không? “Đây là những bước đầu tiên sau khi tiếp cận cấp cứu cho người không may gặp nạn” - bác sĩ Hùng nói.
Sau khi đảm bảo an toàn, cần chú ý 3 trường hợp: nạn nhân vẫn còn ý thức; nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn nhịp thở và bắt được mạch; nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở và mạch đã mất.
Đối với từng trường hợp có cách cấp cứu cơ bản khác nhau:
- Đối với nạn nhân vẫn còn ý thức, tỉnh táo: chúng ta cần đưa về tư thế khiến người bị nạn cảm thấy dễ chịu nhất để hồi phục.
- Đối với nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn nhịp thở và mạch: chúng ta cần đưa về tư thế nằm nghiêng an toàn nếu như không có chấn thương về cột sống, nhằm bảo vệ nhịp thở.
- Đối với nạn nhân đã bất tỉnh, ngừng thở, mạch mất: chúng ta cần nắm rõ, thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản.
Đầu tiên cần gọi cấp cứu và đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, để nạn nhân nằm ngửa. Khi ép tim cần lưu ý về vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép. Tần số sẽ là 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Vị trí ép đúng là nửa dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt.
Bác sĩ Hùng cũng lưu ý thêm, khi sơ cấp cứu cần chú ý kiểm soát đường thở của người bệnh. Cụ thể là cần tìm hiểu xem người bệnh có bị mắc dị vật, răng giả hay đờm dãi… hay không. Nếu có, cần làm thông thoáng đường thở cho người bệnh.
Ngoài ra, song song với việc sơ cấp cứu, cũng cần gọi cấp cứu 115 bằng cách hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có một mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân.
Bài: Mai Thanh/Ảnh: Thành Dương