Liên tiếp xảy ra những vụ hành hung, đe dọa các y, bác sỹ ngay tại bệnh viện, cho thấy an ninh bệnh viện đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Cụ thể, ngày 22/1, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy- Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng trong lúc đang khâu vết thương cho bệnh nhân bỗng bị một thanh niên xông vào đánh, làm thủng màng nhĩ.
Gần đây nhất, ngày 20/2 (tức mùng 5 Tết), sau khi kết thúc thành công ca mổ đẻ cho sản phụ, hai bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái đã bị người nhà bệnh nhân đe dọa, tấn công, gây thương tích vùng đầu, mặt, máu chảy nhiều, phải đưa đi cấp cứu.
Điều đáng nói là, Bệnh viện đã gọi bảo vệ đến can thiệp, nhưng nhóm người nhà bệnh nhân tiếp tục đuổi đánh cả bảo vệ bệnh viện. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Y tế đã có công điện gửi Uỷ ban nhân dân và Công an tỉnh Yên Bái đề nghị điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với những người đã hành hung nhân viên y tế trong vụ việc này, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa triệu tập được ai.
Mong muốn của nhân viên y tế và người dân đến khám chữa bệnh là có môi trường an toàn.
Trước đó, năm 2017 vừa qua, ngành y tế đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế lớn, mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như tinh thần làm việc.
Bàn về vấn đề bạo lực, hành hung các nhân viên y tế trong thời gian qua, bác sỹ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn) cho rằng, đa số các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương hiện nay đều có lực lượng nhân viên bảo vệ. Một số bệnh viện lớn, tiêu chuẩn quốc tế còn thuê dịch vụ bảo vệ nhưng tình trạng an ninh vẫn chưa được đảm bảo. Tuy nhiên lực lượng bảo vệ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về vấn đề an ninh trong bệnh viện, không đảm bảo an toàn tính mạng cho các cán bộ y, bác sỹ khi xảy ra sự cố.
“Gắn camera theo dõi và tăng cường lực lượng bảo vệ tại các bệnh viện trước mắt là giải pháp tốt trong tình thế hiện nay. Tuy nhiên về lâu dài cần có phương án khác thay thế vì môi trường bệnh viện không thể lúc nào cũng có lực lượng công an, cơ quan chức năng cắm chốt”- bác sỹ Trần Văn Phúc nói.
Theo bác sỹ Trần Văn Phúc, để hạn chế tình trạng này, thời gian tới, cần đảm bảo đời sống cho nhân viên y tế; nâng cao chất lượng chuyên môn của nhân viên y tế; Đưa vấn đề đạo đức y khoa trong nhà trường, từng bài giảng. Đặc biệt là phải coi bạo hành bác sỹ là 1 tội.
Cần có lực lượng bảo vệ an ninh tại các bệnh viện.
Theo ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cần xử lý nghiêm những đối tượng gây mất an ninh bệnh viện; pháp luật cần có những tình tiết tăng nặng hình phạt để răn đe.
“Phải xem nhân viên y tế đang khám, chữa bệnh là đang thi nhành một nhiệm vụ đặc biệt. Chính vì vậy, cho dù họ có thể có thiếu sót trong giao tiếp, tổ chức vận hành thì cũng cần được đảm bảo về sức khỏe và tính mạng của họ.”- ông Lê Thanh Hải cho biết.
Giáo sư Phạm Gia Khải- chuyên gia cao cấp Viện Tim Mạch (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, cần phải tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh trong bệnh viện. Trong đó, cần có chế tài xử phạt nghiêm minh và kiên quyết đối với những đối tượng có hành vi đe dọa, hành hung gây thương tích đối với nhân viên y tế. Bởi trong rất nhiều vụ hành hung nhân viên y tế thời gian qua, số đối tượng bị xử lý hình sự còn quá ít.
Đảm bảo an ninh bệnh viện là góp phần đảm bảo an toàn xã hội. Mong muốn của mọi nhân viên y tế và người dân đến khám chữa bệnh là có môi trường an toàn. Thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp giáo dục người dân, chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Một thực tế đáng buồn là đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ, hay những đối tượng có tiền án tiền sự, mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt.
Trước những sự việc trên, Bộ Y tế cũng đã có nhiều giải pháp, kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn cảm thấy vô cùng lo lắng và cho rằng, ngành y tế gần như đang đơn độc trong việc giải quyết tình trạng này./.
Nguồn Vov.vn