Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Bác sĩ phải đi xin từ thiện để cứu bệnh nhân không có bảo hiểm y tế

Nhiều bệnh nhân nặng hoàn toàn có thể được cứu sống với chi phí điều trị vài chục triệu đồng, nhưng vì không có bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, số tiền ấy là một gánh nặng rất lớn với người bệnh, thậm chí có người từ bỏ điều trị. Muốn cứu bệnh nhân, bác sĩ lâm vào tình cảnh bất đắc dĩ, phải đi xin từ thiện để cứu người bệnh.

Em Đồng Văn Thiệm (16 tuổi, Trực Ninh, Nam Định) được chuyển đến BV Bạch Mai ngày 09/11/2015 với chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết/ viêm phổi nặng/ tràn khí trung thất/ viêm gan/ suy gan. Bệnh nhân đã được hội chẩn toàn viện 2 lần và được lọc máu 2 lần.

Với bệnh lý nặng nề, chi phí điều trị cho bệnh nhân là rất lớn. Hơn nữa, do em Thiệm không có thẻ BHYT nên không được quỹ BHYT chi trả mà gia đình bệnh nhân phải gánh toàn bộ chi phí viện phí. Số tiền hơn 70 triệu đồng gia đình vay mượn đưa con đi viện đã hết veo sau mấy ngày điều trị.

Một bệnh nhân khác là anh Lã Văn Thanh sinh (43 tuổi ở thôn 3, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội). Đang là một thanh niên khỏe mạnh, bệnh nhân đột ngột đau đầu, bị tê một tay, một chân, liệt nửa người trái, nôn, buồn nôn, đại tiểu tiện không tự chủ, ý thức xấu dần và đi vào hôn mê.

bac-si-phai-di-xin-tu-thien-de-cuu-benh-nhan-khong-co-bao-hiem-y-te.jpg
Đang khỏe mạnh, bệnh nhân bỗng nhiên xuất hiện triệu chứng đau đầu và dần đi vào hôn mê, điều trị rất khó khăn, tốn kém. ảnh MT

Hôm 27/11 bệnh nhân được chuyển đến BV Bạch Mai, với chẩn đoán xuất huyết não và được mổ cấp cứu lấy khối máu tụ lớn trong bán cầu phải. Đã mổ sau 9 ngày nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn nặng, phải theo dõi dài ngày. Trong khi đó, bệnh nhân không có thẻ BHYT, số tiền vay mượn được 40 triệu đồng cũng không thấm thía vào đâu so với chi phí điều trị.

Bệnh nặng, nếu gia đình vì khó khăn xin về thì người bệnh sẽ không qua khỏi. Vì thế, phòng công tác xã hội BV Bạch Mai đã phải “ra tay”, đi kêu gọi từ thiện từ những tấm lòng hảo tâm để có thể giúp em qua cảnh hiểm nghèo.

Một bệnh nhân khác bị liên cầu lợn nằm điều trị tại khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) sau 15 ngày gia đình cũng đành xin về vì không thể đeo đuổi điều trị.

Trước đó, ngay ở thời điểm nhập viện, dù bệnh lý nặng nhưng bác sĩ tiên lượng bệnh nhân có cơ hội qua khỏi, lại đang còn rất trẻ nên BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu đã liên lạc với Quỹ Nhân Ái, Báo Dân trí để viết bài kêu gọi từ thiện cho bệnh nhân.

Thế nhưng gia đình bệnh nhân quá sốt ruột, BHYT thì không có, mỗi ngày nằm viện là mỗi ngày người thân lòng như lửa đốt bởi không biết xoay đâu ra số tiền vài triệu đồng mỗi ngày. Vì thế, người vợ trẻ dù rất đau xót nhưng đành xin ngừng quá trình điều trị, để lại khoản tiền hơn 50 triệu đồng các bác sĩ trong khoa đã kí “đảm bảo” để xin thuốc, xét nghiệm, điều trị ứng trước cho người bệnh.

BS Cấp cho biết, căn bệnh liên cầu lợn chi phí điều trị có thể lên tới cả 100 triệu. BV đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự, nhưng bệnh nhân có BHYT được thanh toán 80% nên số tiền phải tự bỏ ra không nhiều, người bệnh chỉ bỏ ra khoảng 20% còn lại (tương đương khoảng 20 triệu đồng). Còn với người không có BHYT sẽ phải tự trả hết chi phí này, là một gánh nặng vô cùng lớn với bệnh nhân.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), tới đây, khi giá viện phí được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ, người bệnh không có thẻ BHYT thực sự sẽ chịu sự tác động rất lớn khi đi khám chữa bệnh.

BS Cấp khuyến cáo, những rủi ro về sức khỏe không thể lường trước, bất cứ ai cũng có thể không may đổ bệnh, tai nạn… Nếu không có thẻ BHYT, chi phí điều trị là sẽ rất lớn. Vì thế, mỗi người nên mua BHYT để phòng rủi ro cho sức khỏe nếu không may gặp phải.

Nguồn Hồng Hải - dantri.com.vn  

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image