Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Bài 2: Một số thông tin thường thức về ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Tuy nhiên, ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm và được điều trị đúng cách thì nhiều trường hợp được chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh có thể trở lại lao động, sinh hoạt và có cuộc sống như những người bình thường khác.

1. Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời có nguy hiểm không? Các biến chứng của bệnh là gì?

Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh đã ở giai đoạn muộn sẽ không còn khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Nhiều bệnh nhân thậm chí nhập viện khi đã có biến chứng của bệnh như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, viêm phúc mạc. Đây đều là các biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân nhập viện khi bệnh đã di căn với các triệu chứng như liệt (do tổn thương di căn cột sống hay di căn não), khó thở (di căn phổi),…Khi đó việc điều trị chỉ còn mang tính chất kéo dài thời gian sống thêm và đảm bảo chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

2. Ai có nguy cơ mắc bệnh cao? Nam hay nữ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn?

- Tuổi: hầu hết các trường hợp ung thư dạ dày gặp ở nguời cao tuổi. Ví dụ ở Hoa Kỳ, theo thống kê của Hiệp hội ung thư quốc gia, 60% số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày ≥ 65 tuổi. Hay ở Nhật Bản, từ năm 2015, tất cả người từ 50 tuổi trở lên đều được khuyến cáo nội soi dạ dày kiểm tra mỗi 2 đến 3 năm. Ở Việt Nam gần đây ung thư dạ dày có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh ở lứa tuổi trẻ hơn.

- Giới: Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020 ở Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở nam cao hơn so với ở nữ khoảng 2 lần.

- Những người có người thân mắc ung thư dạ dày: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc ung thư dạ dày có nguy cơ bị ung thư dạ dày gấp 2-10 lần những người không có người thân mắc bệnh.

- Những người có yếu tố nguy cơ như nhiễm H. pylori, ăn chế độ ăn nhiều muối hoặc thực phẩm có chứa hợp chất nitroso hoặc người bị béo phì, hút thuốc lá, viêm dạ dày mạn tính, đều tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

3.Các xét nghiệm cần thiết để phát hiện, xác định bệnh, các phương pháp điều trị tối ưu?

a.Nội soi thực quản- dạ dày- tá tràng

Nội soi thực quản-dạ dày- tá tràng ống mềm kết hợp với sinh thiết là biện pháp quan trọng trong chẩn đoán ung thư dạ dày. Qua nội soi các bác sĩ có thể biết được vị trí và tính chất khối u dạ dày và tiến hành sinh thiết u để có thể khẳng định bệnh. Ngày nay, các tiến bộ kỹ thuật như nội soi tăng cường, nội soi kết hợp với phương pháp nhuộm màu để xác định vùng tổn thương chính xác hơn khi sinh thiết đã giúp tăng khả năng chẩn đoán kể cả các trường hợp tổn thương còn nhỏ, giúp chẩn đoán sớm bệnh.

noi soi da day1 17022022

noi soi da day2 17022022

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 1: Hình ảnh nội soi dạ dày của một bệnh nhân nam, 56 tuổi, đến khám tại bệnh viện Bạch Mai vì đau bụng vùng trên rốn. Trên hình ảnh nội soi, bác sĩ phát hiện các tổn thương vùng bờ cong nhỏ dạ dày (mũi tên màu vàng). Kết quả sinh thiết là ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa.

b. Xét nghiệm mô bệnh học:

Mẫu mô thu được khi sinh thiết qua nội soi dạ dày sẽ được đúc thành bệnh phẩm khối nến, nhuộm và soi dưới kính hiển vi. Đây là tiêu chuẩn vàng giúp khẳng định bệnh nhân mắc ung thư dạ dày. Ngoài ra, kết quả mô bệnh học cũng cho biết bệnh nhân mắc ung thư dạ dày loại gì, góp phần giúp các bác sĩ tiên lượng và lựa chọn phương pháp điều trị.

bai2 ttin thuong thuc ung thu da day2

Hình 2: Hình ảnh mô bệnh học từ mẫu sinh thiết của của bệnh nhân được nội soi dạ dày tại bệnh viện Bạch Mai. Kết quả cho thấy thấy đa số tế bào u sếp thành đám, một số gợi hình tuyến (mũi tên màu vàng) và có các tế bào nhẫn (mũi tên màu xanh). Kết luận: ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa có thành phần tế bào nhẫn.

c. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để đánh giá giai đoạn bệnh

Có nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể được sử dụng để đánh giá giai đoạn ung thư dạ dày trong đó các kỹ thuật quan trọng phải kể đến như:

Chụp cắt lớp vi tính (computed tomography hay CT): Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc cản quang có thể cung cấp thông tin về khối u dạ dày cũng như một số thông tin nghi ngờ di căn nếu có như hình ảnh hạch vùng, dịch ổ bụng (di căn màng bụng), tổn thương di căn gan,... Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cũng giúp phát hiện tổn thương di căn xa như di căn phổi.

noi soi da day4 17022022

Hình 3: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc cản quang của một bệnh nhân nữ, 71 tuổi, đến bệnh viện Bạch Mai khám do nuốt vướng. Trên phim chụp bác sĩ phát hiện dày thành dạ dày (mũi tên màu vàng).

Xạ hình xương toàn thân giúp phát hiện xem liệu ung thư đã di căn xương hay chưa.

bai2 ttin thuong thuc ung thu da day4

Hình 4: Hình ảnh xạ hình xương toàn thân của một bệnh nhân nam 74 tuổi được chẩn đoán ung thư dạ dày. Kết ảnh cho thấy di căn xương nhiều vị trí: cột sống, xương chậu, xương đòn phải, xương cẳng tay phải (các mũi tên màu đỏ)    

Chụp PET/CT (chụp cắt lớp bằng bức xạ positron kết hợp chụp cắt lớp vi tính (Positron emission tomography/ Computed tomography: PET/CT): là thăm dò tốt nhất hiện nay để đánh giá toàn thân trong ung thư dạ dày, giúp cung cấp các thông tin cả về u nguyên phát và các tổn thương di căn hạch, di căn xa (di căn xương, di căn phổi, di căn gan...). Nhờ việc đánh giá đầy đủ và chính xác giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra được chiến lược điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân cụ thể.

d. Các xét nghiệm sinh học phân tử

Các xét nghiệm sinh học phân tử như phát hiện thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì (Her-2), phối tử protein chết theo chương trình 1 (programmed death-ligand 1: PD-L1) và mất ổn định vi vệ tinh (microsatellite instability: MSI) … đã được thực hiện một cách thường quy. Dựa trên các kết quả này, các bác sĩ có thể biết liệu bệnh nhân có thể phù hợp với các biện pháp điều trị hiện đại với hiệu quả cao như liệu pháp điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch hay không.

e. Các phương pháp điều trị bệnh:

Có nhiều phương pháp được sử dụng trong điều trị ung thư dạ dày như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch, điều trị nội khoa ... . Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào và thứ tự các phương pháp ra sao tùy thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như các yếu tố khác ở bệnh nhân như thể trạng chung, các bệnh lý kèm theo, … Bệnh nhân cần được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa, được hội chẩn hội đồng chuyên môn để có được được phương pháp điều trị tối ưu.

4. Lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia cho cộng đồng?

Ung thư dạ dày là một bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Tuy nhiên, ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm và được điều trị đúng cách thì nhiều trường hợp được chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh có thể trở lại lao động, sinh hoạt và có cuộc sống như những người bình thường khác. Vì vậy những người có nguy cơ cao mắc bệnh nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Ngoài ra những người có triệu chứng bệnh lý dạ dày cũng cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám chẩn đoán và điều trị kịp thời với hiệu quả tốt nhất.

BSNT. Đào Mạnh Phương, GS.TS. Mai Trọng Khoa, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, PGS.TS. Trần Đình Hà - Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image