Bé Hoàng Công Định (8 tháng tuổi, Ô Chợ Dừa, Đống Đa) bị viêm họng, mẹ bé ra hiệu thuốc và được bán cho một loại thuốc kháng sinh. Sau khi uống thuốc được hai ngày thì da bé nổi mẩn đỏ. Các mẩn đỏ đó nhanh chóng hình thành bọng nước quanh mắt, quanh miệng và lan toàn thân rồi vỡ ra. Nghe mọi người mách dùng thuốc chống dị ứng sẽ khỏi, gia đình lại tự ý ra hiệu thuốc mua. Bệnh của bé không thuyên giảm mà ngày càng nặng, lúc đó gia đình mới tá hỏa đưa con lên BV Nhi TƯ. Khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, khò khè, huyết áp tụt. Các bác sỹ chẩn đoán bé bị sốc phản vệ do kháng sinh.
Tương tự bé T. ở Thường Tín, Hà Nội, cũng phải nhập viện do dị ứng thuốc. Sau khi được một nhân viên hiệu thuốc gần nhà tiêm cho một loại thuốc kháng sinh, không rõ tên, để điều trị tình trạng viêm mũi họng, người bé bị dị ứng, nổi mần đỏ toàn thân.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những trường hợp gặp biến chứng khi tự ý mua thuốc kháng sinh mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Để ghi nhận tình trạng này, chúng tôi ghi ra tờ giấy tên 4 loại kháng sinh cơ bản là ampicillin, ammoxicilin, cephalexin và azithromycin và đem đi thử mua tại nhiều cửa hàng thuốc tân dược dọc phố Ngọc Khánh, Hào Nam. Xin được nói thêm rằng, đây là những loại kháng sinh muốn mua được phải có đơn của bác sĩ. Có đến 90% các cửa hiệu thuốc đồng ý bán ngay các loại thuốc này mà không cần hỏi về đặc điểm thể trạng, bệnh tình hay thông tin về bệnh nhân. Cứ có tiền là mua được thuốc, dù đó là những loại thuốc đặc trị nằm trong danh mục thuốc bán phải có đơn của bác sĩ.
Tương tự, trong vai một bệnh nhân bị đau răng, tôi tìm đến một cửa hiệu thuốc tân dược trên phố Đê La Thành để mua thuốc chữa răng. Chỉ cần kể qua triệu chứng, không cần phải… há miệng, nhân viên bán thuốc đã khẳng định tôi bị viêm chân răng và bán ngay cho loại kháng sinh Tetracyline, uống trong 2 ngày. Trong khi đó, đau răng chỉ là triệu chứng và có vô vàn nguyên nhân gây ra việc này.
Tại một cửa hàng thuốc Tây khác, chúng tôi hỏi mua kháng sinh Augmentin dành cho trẻ nhỏ. Khi được cho biết, trước đây trẻ từng uống một loại thuốc kháng sinh khác, nhân viên cửa hàng nói không sao và hướng dẫn cho trẻ uống thêm men tiêu hóa vì uống loại kháng sinh này có thể bị tiêu chảy. Khi chúng tôi yêu cầu chỉ mua hai gói uống trong một ngày xem trẻ có phản ứng gì không rồi mới mua thêm thuốc, nhân viên này vẫn đồng ý bán.
Xin được ra một con số mà có thể làm nhiều người giật mình. Vừa qua, theo khảo sát của Bộ Y tế với gần 3.000 nhà thuốc, cứ 10 người mua thuốc kháng sinh thì có tới 9 người mua không theo chỉ định của bác sĩ. Người mua - người bán “hồn nhiên” mua bán thuốc kháng sinh để điều trị bệnh mà không cần đơn. Ampicillin, ammoxicilin, cephalexin và azithromycin là những loại kháng sinh được bán nhiều nhất mà không kê đơn, trong đó 88% là ở thành thị, 91% ở vùng nông thôn. Đã đành do nhận thức về của người dân về xử dụng thuốc nhưng vấn đề chính vẫn là do sự chủ quan, chạy theo lợi nhuận của người bán thuốc
90% thuốc kháng sinh không được bán theo đơn, điều đó đồng nghĩa với việc người dân sẽ không thể kiểm soát được việc sử dụng thuốc của mình. Trong rất nhiều loại thuốc kháng sinh, nếu không chọn được loại phù hợp sẽ gây ra hiện tượng kháng thuốc sau này, thậm chí là sốc thuốc, hay biến chứng…Hơn nữa, mỗi ngày lại có rất nhiều loại kháng sinh được các dược sĩ bào chế ra bởi vì quá trình kháng kháng sinh của vi khuẩn. Chính vì thế, nếu không có đơn của bác sỹ, sẽ rất khó biết được đâu là loại kháng sinh phù hợp cho bệnh nhân.
90% thuốc kháng sinh không kê đơn sẽ gián tiếp tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Điều này làm cho thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị ngày càng là gánh nặng lên cá nhân, gia đình và xã hội. Đáng báo động hơn khi kháng sinh xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta.
Nói về thực tế này, bác sĩ Bùi Văn Khánh, trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Việc tự ý mua và bán các loại thuốc điều trị hoàn toàn có thể dẫn tới các tai biến nguy hiểm. Chúng tôi đã chứng kiến, điều trị cho nhiều bệnh nhân bị dị ứng thuốc, phản ứng phụ của thuốc do tự mua hoặc do người bán tự kê đơn. Không riêng gì với các loại thuốc kháng sinh mà những loại thuốc đơn giản, thông thường cũng có thể xuất hiện các phản ứng phụ không mong muốn. Có một số thuốc không phải kê đơn nhưng trước khi dùng vẫn cần đi khám để được bác sĩ cho biết chính xác tình trạng bệnh tật, sức khỏe và có cần phải uống hay không.
Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, tình trạng bán thuốc không theo đơn cần được kiểm soát; người có bệnh cũng cần chủ động đi khám bác sĩ trước khi đến hiệu thuốc. Cần đi khám để được kê đơn chính xác theo diễn biến bệnh chứ không được dùng lại đơn cũ.
Như vậy, dù đã tuyên truyền, cảnh báo nhiều nhưng tình trạng tự ý mua bán, sử dụng thuốc tân dược vẫn không giảm bớt. Người dân vì điều kiện kinh tế và hiểu biết nông cạn nên tự ý mua thuốc để chữa bệnh là điều dễ hiểu. Với những cơ sở bán thuốc, họ hoàn toàn hiểu được nguy cơ này nhưng vẫn vô tư bán thuốc mới là điều cơ quan chức năng cần rà soát và chấn chỉnh ngay.
Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong linh vực y tế sẽ có hiệu lực. Theo đó, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ sẽ bị phạt tiền từ 200-500.000 đồng. Tại mục 3 về hành vi vi phạm hành chính về dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế, có 11 điều thuộc lĩnh vực kinh doanh, sản xuất và sử dụng thuốc. Theo đó, các cơ sở kinh doanh thuốc sẽ bị xử phạt từ 3-8 triệu đồng với các hành vi vi phạm: Người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện ủy quyền hoặc cử người thay thế; sản xuất, bán buôn, bán lẻ, làm dịch vụ bảo quản, làm dịch vụ kiểm nghiệm thuốc không có giấy chứng nhận thực hành tốt hoặc giấy chứng nhận thực hành tốt đã hết thời hạn có hiệu lực; không thực hiện việc mở sổ hoặc không sử dụng phương tiện để theo dõi hoạt động mua thuốc, bán thuốc theo quy định của pháp luật. |