TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là thực trạng đáng báo động trong giới trẻ hiện nay mà xã hội cần quan tâm. Theo ghi nhận trong thời gian gần đây có sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trẻ tuổi là học sinh sinh viên mắc các rối loạn liên quan đến nghiện chất, stress.
Chuyên gia về sức khỏe tâm thần này cho hay, ông đã từng tiếp nhận nhiều trẻ lứa tuổi 13, 14 nhập viện vì biểu hiện chán nản, học hành giảm sút. Những trẻ này trước đây thường được đánh giá là rất ngoan và học giỏi, học ở trường chuyên danh tiếng. Tuy nhiên, trước áp lực quá lớn đến ngay từ phía người thân và các tác động của môi trường xã hội làm trẻ nhiễu thông tin, tạo nhiều xáo trộn, trăn trở trong suy nghĩ.
TS.BS Dương Minh Tâm.
Nhiều trẻ đến Viện Sức khoẻ tâm thần trong tình trạng buồn phiền, mất định hướng, trẻ không hiểu học nhiều để làm gì, không định hướng được về tương lai. Biểu hiện ở trẻ mắc các rối loạn tâm thần này thường là buồn chán, lo lắng, chán học, ít ngủ, thích lướt facebook nhiều trong khi bài vở thì trì trệ…
Không tìm được lối thoát, không ít trẻ tìm đến các trò chơi không lành mạnh như đua xe, chơi game online để khỏa lấp lo lắng của bản thân…
Số khác thì lại mắc phải Hội chứng tự ngược đãi bản thân bằng cách lấy dao rạch tay, cắn móng tay, cào rách mặt, nhổ cả mảng tóc…
Gia tăng bệnh nhân tâm thần, cán bộ tâm lý có vai trò quan trọng
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhân lực trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm: Bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng chuyên khoa tâm thần, cán bộ tâm lý, cán sự xã hội và các nhân viên y tế khác. Trong đó, cán bộ tâm lý đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán và cung cấp việc đánh giá tâm lý người bệnh.
Áp lực đè nén khiến gia tăng trẻ mắc rối loạn tâm thần. Ảnh minh họa.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc điều trị rối loạn tâm thần là sự kết hợp giữa dược lý tâm thần và trị liệu tâm lý, cán bộ tâm lý thực hiện các liệu pháp tâm lý, thảo luận với người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình điều trị, cung cấp các kỹ năng ứng phó và giáo dục tâm lý cho người bệnh và gia đình người bệnh về các rối loạn tâm thần và bệnh lý người bệnh đang mắc.
Chính vì vậy, theo TS. Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, cần thúc đẩy hơn nữa vai trò và sự phối hợp của cán bộ tâm lý với các y bác sĩ trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng và trong ngành y tế nói chung với mục tiêu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hỗ trợ, can thiệp.
Đồng thời, cập nhật các kiến thức mới, báo cáo kết quả các nghiên cứu đã thực hiện trong những năm vừa qua về cách tiếp cận, chẩn đoán và phương pháp trị liệu tâm lý, các mô hình chăm sóc và phục hồi chức năng tâm lý cho người bệnh tâm thần, các nghiên cứu khoa học về vai trò của tâm lý lâm sàng trong các lĩnh vực của cuộc sống.
Các báo cáo nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu như: “Trị liệu hành vi biện chứng đối với rối loạn nhân cách ranh giới” của PGS.TS Đặng Hoàng Minh – Trường Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội; “Ứng dụng liệu pháp chơi trị liệu trong trị liệu nhận thức hành vi cho trẻ rối loạn tâm lý” của ThS. Đỗ Minh Thúy Liên - Khoa Tâm bệnh, BV Nhi Trung ương; “Đánh giá tình trạng suy giảm nhận thức của bệnh nhân HIV điều trị bằng ARV tại BV bệnh nhiệt đới trung ương” của Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần; “Bàn về việc đánh giá tâm lý cho phép phẫu thuật chuyển giới” của ThS. Nguyễn Cao Minh - Phòng Tâm lý học ứng dụng, Viện tâm lý học….
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn