Tai biến y khoa - góc nhìn từ người trong cuộc
Ca mổ nhầm chân trái thành chân phải, một sai sót hiếm thấy xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - bệnh viện ngoại khoa hàng đầu Việt Nam gần đây, khiến không ít người khi được hỏi cảm thấy lo sợ, “không thể hiểu sao bác sĩ lại nhầm lẫn tai hại như vậy”. Vị bác sĩ mổ nhầm chân đã bị đình chỉ và xử lý theo quy định. Nhưng với người bác sĩ, sẽ không đơn giản chỉ là án phạt. Mới đây câu chuyện của BS Võ Xuân Sơn (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ đã cho thấy một gánh nặng đeo bám dai dẳng cuộc sống của người bác sĩ khi những sai lầm nghiêm trọng xảy ra.
Là một bác sĩ phẫu thuật ông có những nhược điểm cố hữu, mà dù cẩn thận đến mấy cũng vẫn cứ bị mắc sai lầm. Đó là phân biệt bên phải và bên trái. Biết được nhược điểm của mình, nên khi vào cuộc mổ, ông thường xuyên hỏi các đồng nghiệp trong kíp mổ “Có đúng là đang đứng ở bên phải (hay bên trái) của bệnh nhân không? Có phải chỗ tôi định mổ đúng là bên phải, hay bên trái của bệnh nhân hay không...?”. Tuy đã rất cẩn thận, nhưng ông vẫn không tránh được sai sót trong một ca mổ tụ máu trong hộp sọ. Và sai lầm nghiêm trọng ấy đã ám ảnh ông trong suốt 15 năm qua...
Những tai nạn y khoa là điều không một người làm nghề y nào muốn xảy ra với mình. BS Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Khi bước vào phòng mổ, bác sĩ ngoại khoa phải chịu quá nhiều áp lực từ phía bệnh nhân, dư luận và sự tự trọng nghề nghiệp của bản thân”. Về phía bệnh nhân, đó là sự sống - cái chết. Nếu bệnh nhân qua khỏi, biết bao người mừng vui. Song, nếu điều không may xảy đến, bác sĩ cũng sẽ phải đối diện với chừng ấy nỗi đau. Chưa kể, một bộ phận người dân hiện nay gọi y, bác sĩ là những “thiên thần”, theo nghĩa không được phép mắc sai sót, thế nhưng y, bác sĩ cũng là con người mà thôi!” - bác sĩ Du chia sẻ.
Nguyên nhân dẫn đến một số tai nạn y khoa ngoài sự tắc trách là sự đãng trí cố hữu của trí thức; sự mệt mỏi do áp lực công việc khiến một số y, bác sĩ không may gặp phải. Theo quan điểm của BS Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cản trở lớn nhất mà ngành y tế đang vấp phải trong công cuộc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là cơ sở vật chất quá yếu kém, trong khi lượng bệnh nhân quá đông, và đồng lương bác sĩ chưa tương xứng với áp lực công việc. Ở các nước phát triển, trung bình các bác sĩ khám và tư vấn bệnh từ 10 đến 30 phút cho một bệnh nhân. Nhưng ở nước ta, một buổi sáng, có bác sĩ phải khám đến 70 người. Như vậy, thời gian khám bệnh, tư vấn cho bệnh nhân chỉ được từ 3 đến 5 phút. Lượng bệnh nhân đông không chỉ gây ra tình trạng “quá tải” cho bệnh viện, mà còn khiến cả đội ngũ y, bác sĩ cũng căng thẳng, mỏi mệt. Sức ép ấy dẫn đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh không cao, không bảo đảm, tai nạn là điều khó tránh khỏi.
Song, dù với bất kỳ lý do gì, khi để xảy ra sai sót, người thầy thuốc vẫn là người đáng trách. Bởi lẽ, nếu cẩn trọng, họ có thể ngăn ngừa hầu hết những căn nguyên gây sai sót kể trên. BS Nguyễn Viết Tiến, người được mệnh danh là “bàn tay vàng phẫu thuật” trong lĩnh vực sản khoa thổ lộ: “Bản thân tôi là người đã có kinh nghiệm 30 năm cầm dao mổ, nhưng với sản khoa không ai nói trước được. Tôi thông cảm với những tai biến bất khả kháng. Nhưng tôi lên án những trường hợp y, bác sĩ vô trách nhiệm, trình độ hạn chế mà không chịu học hỏi!”.
Hoàn thiện quy trình, giảm áp lực và nâng cao y đức
Những tai nạn y khoa hy hữu thời gian qua đã bộc lộ quy trình phẫu thuật còn nhiều sơ hở và không thực hiện đủ các bước theo chuẩn an toàn. Gần đây, một số bệnh viện bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng JCI, như Bệnh viện FV (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Vimec (Hà Nội), trong phòng mổ có bảng đánh dấu, trong đó có những câu hỏi cho mọi thành viên của kíp mổ, với cách hỏi bắt buộc phải động não mới trả lời được. Cách làm này nhằm hạn chế thấp nhất các sai sót, trong đó có sai sót nhầm bên. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hiện cũng áp dụng quy trình chuẩn bị bệnh nhân và mẫu quy trình an toàn phẫu thuật của Tổ chức Y tế thế giới.
Hiện Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn để giảm thiểu những tai nạn y khoa đáng tiếc. Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện thiết lập hệ thống báo cáo sai sót y khoa tự nguyện để phân tích, đưa ra khuyến cáo giúp thầy thuốc, đơn vị khác không lặp lại sai sót này nữa. Đối với các bệnh viện, hiện Bộ Y tế đang triển khai tám chương trình an toàn người bệnh trong bệnh viện. Trong đề án giảm tải, Bộ Y tế phấn đấu mỗi ngày một bác sĩ khám bệnh ở phòng khám không quá 35 người nhằm giảm áp lực. Bộ đang nghiên cứu xây dựng để sửa đổi Thông tư 08 về định mức biên chế việc làm trong các cơ sở y tế nhà nước, bảo đảm số nhân lực y tế trên số giường bệnh phù hợp.
“Về giải pháp lâu dài, phía các cơ sở y tế phải cải thiện môi trường và điều kiện làm việc của nhân viên y tế bằng cách giảm bớt tình trạng quá tải, bố trí làm việc theo ca ở một số vị trí có cường độ làm việc căng thẳng (thí dụ như Khoa Hồi sức tích cực), bảo đảm quy trình khám bệnh, điều trị, đáp ứng đầy đủ phương tiện, thiết bị làm việc. Bên cạnh chủ trương giảm quá tải tuyến trung ương và giảm áp lực công việc cho các bác sĩ tuyến trung ương, cần đẩy mạnh các đề án tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở, như phát triển mô hình bác sĩ gia đình, bệnh viện vệ tinh…”, BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết.
Song, để giảm thiểu tai nạn y khoa, điểm mấu chốt còn là vấn đề y đức, là thái độ điều trị của y, bác sĩ với người bệnh. Bởi suy cho cùng, người bệnh có đau mới tìm đến bệnh viện, có bệnh mới cần bác sĩ khám và chữa trị. Nên, điều mà họ mong đợi chính là thái độ tận tâm, hết lòng của đội ngũ y, bác sĩ nhằm bảo đảm các quyền mà họ được tôn trọng. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đòi hỏi bệnh viện phải tuân thủ các quy chuẩn, thay đổi văn hóa làm việc của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên, an toàn bệnh nhân phải được đặt lên hàng đầu.
Ngành y tế đang trên đà triển khai “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Trong nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cùng với xây dựng bệnh viện xanh-sạch-đẹp, hy vọng sự thay đổi về phong cách thái độ đối với bệnh nhân, sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy được sự an toàn ở chính nơi chữa bệnh cứu người. Nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thiểu tai nạn y khoa thì cần đến những giải pháp đồng bộ ở cả ba mũi, vừa bảo đảm quy trình khám chữa bệnh chặt chẽ, vừa phải tạo điều kiện làm việc tốt cho đội ngũ y bác sĩ và rèn luyện thường xuyên y đức. Đó cũng là con đường để mục tiêu mang đến sự hài lòng cho người bệnh không chỉ được vẽ lên trên văn bản, mang tính phong trào hay chạy theo “xử lý khủng hoảng”!
Liên tiếp những sai sót “chết người” của các nhân viên y tế xảy ra trong thời gian ngắn khiến người bệnh “lãnh đủ”, như bác sĩ cắt hết thận của bệnh nhân vì nghĩ thận trái là thận đôi (năm 2011); bệnh nhi nguy kịch hơn vì bác sĩ cắt nhầm bàng quang (năm 2012); bệnh nhân nam nhập viện do tràn khí màng phổi tái phát bên phổi trái và do bác sĩ xem phim sai nên mổ bên phổi phải, sau đó đã mổ lại (năm 2013); phẫu thuật tay trái (tay lành lặn) ở Nghệ An, hay một nữ sinh tại Đác Lắc buộc phải cưa chân do bác sĩ tắc trách (năm 2016). |
Nguồn Nhandan.com.vn