Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Bảo hiểm y tế: “Phao cứu sinh” cho những bệnh nhân chạy thận

Mặc dù còn một số ý kiến trái chiều song sau gần một năm đi vào cuộc sống, Luật Bảo biểm y tế (BHYT) sửa đổi 2015 đã thực sự trở thành “phao cứu sinh” cho người nghèo và những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo.

Phát hiện bị suy thận độ 2 từ năm 2010, đến năm 2012 chị N.B.L (ở Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân) phải chạy thận 3 buổi/tuần. Từ đó, cuộc sống của chị gắn liền với bệnh viện. Mặc dù có  BHYT song phần đồng chi trả (20%) hàng tháng của chị N.B.L cũng mất gần 2 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn phải mua thêm thuốc bổ, canxi… Khoản tiền lương viên chức của chị chỉ đủ để trang trải cho việc chạy thận. Hai đứa con đang tuổi ăn học nên chi phí khá tốn kém. Từ ngày chị bị bệnh, cuộc sống của gia đình trở nên khó khăn, chật vật hơn nhiều. Tất cả 4 khẩu ăn và chi tiêu trang trải cho cuộc sống đều trông hết vào đồng lương viên chức của chồng chị.

Tuy vậy, chị N.B.L còn hạnh phúc hơn nhiều bệnh nhân khác vì chị còn có đồng lương để trông vào. Chị N.T.P, 47 tuổi ở Hồ Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội vốn là lao động tự do nên từ ngày bị bệnh, sức khỏe suy yếu, chị phải nghỉ làm. Mọi khoản chi tiêu của gia đình và chi phí chữa bệnh của chị đều trông vào thu nhập của chồng. Mặc dù có BHYT song phần đồng chi trả hàng tháng của chị cũng phải lên đến 2 triệu, đó là chưa kể  tiền đi lại và 1 số chi phí khác.

 benh_nhan_chay_than.jpg

Với qui định mới này, đối tượng hưởng 80% BHYT sẽ được giảm đáng kể chi phí điều trị, giúp họ bớt đi nhiều khó khăn.

Một tin vui cho những bệnh nhân như chị N.B.L, N.T.P là theo luật BHYT sửa đổi năm 2015, nếu số tiền đồng chi trả của người bệnh vượt quá 6 tháng lương cơ sở hiện hành (tương đương 6,9 triệu đồng) và dữ liệu phát hành thẻ quản lý tại cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) xác nhận đã có thời gian tham gia BHYT liên tục 5 năm tính đến thời điểm đồng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở như trên, người tham gia  BHYT sẽ được cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không phải đồng chi trả. Từ thời điểm đó đến hết năm tài chính, người tham gia BHYT sẽ không phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi BHYT.

Như vậy, những bệnh nhân như chị N.B.L, N.T.P sẽ đỡ khó khăn hơn rất nhiều. Theo tính toán của chị, từ năm nay chị chỉ phải đồng chi trả 4 tháng (tương đương 6,9 triệu đồng), từ tháng thứ 5 chị sẽ được  hưởng BHYT 100%. Một phép tính đơn giản, mỗi năm chị sẽ tiết kiệm được 8 tháng đồng chi trả, tương đương với khoảng 15 triệu đồng. Đây quả là một số tiền không hề nhỏ so với thu nhập và chi phí của những bệnh nhân chạy thận.

Gặp chị N.B.L tại khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai trong ca chạy thận, chị phấn khởi chia sẻ: “Từ tháng này, chị đã được cơ quan BHXH cho hưởng chế độ miễn đồng chi trả rồi em ạ. Thủ tục đơn giản và nhanh gọn lắm, chỉ cần mang theo thẻ  BHYT còn hạn sử dụng, biên lai thu viện phí có phần đồng chi trả tại bệnh viện đạt tổng 6,9 triệu đồng đến nơi phát hành thẻ để làm thủ tục nhận giấy chứng nhận không phải đồng chi trả theo quy định của luật BHYT”.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hiện tại, khoa có hơn 600 bệnh nhân (100% bệnh nhân đều có thẻ BHYT), trong đó hơn 13% được hưởng 80%; 12% được hưởng 95%, còn lại là đối tượng được hưởng 100%. Với qui định mới này, đối tượng hưởng 80% BHYT sẽ được giảm đáng kể chi phí điều trị, giúp họ bớt đi nhiều khó khăn.

Ngoài điểm mới nêu trên, luật BHYT sửa đổi 2015 còn có nhiều nội dung có lợi cho người nghèo, đó là bãi bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo… Những điểm mới này giúp cho người nghèo được tiếp cận gần hơn với BHYT.

Có thể thấy, BHYT đã và đang là cứu cánh cho những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn - là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Do đó, tham gia BHYT vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm xã hội của mỗi công dân.

Bài, ảnh: Mai Thanh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image