Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đang đối mặt với tình trạng bệnh không lây nhiễm gia tăng, khi chiếm đến 77% số ca tử vong ở nước ta. Do đó, Bộ Y tế đã thiết lập 3 trụ cột để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu gồm Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Chương trình Tăng cường y tế cơ sở và Các chương trình Mục tiêu y tế - dân số Quốc gia nhằm tạo nên đồng hành và thống nhất với nhau để tối ưu hóa các tác động của cả 3 chương trình trong công tác chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân...
Việt Nam ưu tiên tăng cường hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ CSSKBĐ tốt hơn cho người dânĐể tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực hiện chính sách y tế toàn cầu và hội nhập y tế của Việt Nam là thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu (Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Xây dựng phát triển mạng lưới y tế cơ sở, Chương trình Mục tiêu y tế - dân số); bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (về dân số, dịch vụ y tế, bảo vệ tài chính) và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu (PHC) hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC), góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe ở Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và các đại biểu tại Lễ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam.
Mới đây, phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 72 Đại hội đồng Y tế Thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã nhấn mạnh Việt Nam đã ưu tiên trong việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân. Trong bài phát biểu này, Bộ trưởng nêu rõ “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là một nguyên tắc cốt lõi của bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó mọi người dân - bất kể họ là ai, sống ở đâu, hoặc có điều kiện kinh tế hay không - đều có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần.
Để thực hiện nguyên tắc này, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để đảm bảo mọi người dân đều có thể được hưởng lợi từ các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Ngân sách nhà nước chi trả cho các dịch vụ dự phòng và bao phủ 100% các đối tượng thuộc các chương trình y tế, trong khi chương trình bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh và đến nay đã bao phủ được 88% dân số.
Để đảm bảo những đối tượng dễ bị tổn thương có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không gặp khó khăn về tài chính, Chính phủ đã hỗ trợ 100% phí bảo hiểm y tế cho tất cả người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và người già từ 85 tuổi trở lên; trợ cấp 70% phí bảo hiểm y tế cho người cận nghèo.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam đã ưu tiên trong việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ CSSKBĐ tốt hơn cho người dân, xây dựng kế hoạch hành động tổng thể với cam kết cao về mặt chính trị để nâng cao năng lực cho hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, cán bộ y học cổ truyền, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; bao gồm tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, phát hiện và điều trị bệnh sớm tập trung vào các bệnh không lây nhiễm. Đổi mới cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới phương thức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là những nội dung của đổi mới CSSKBĐ hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Việt Nam cũng đã tích cực huy động các nguồn lực tài chính từ vốn vay ưu đãi và viện trợ của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, WHO, Quỹ Toàn cầu, EU và các đối tác phát triển để tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và đổi mới cơ chế tài chính y tế. Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực xây dựng 26 trạm y tế điểm tại các địa phương để từ đó nhân rộng mô hình này nhằm phát huy hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại địa phương.
Chung tay triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam hiệu quả“Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng trên cơ sở chuyển hướng từ các dịch vụ chăm sóc dựa vào bệnh viện và chữa bệnh sang chú trọng vào dịch vụ chăm sóc dựa vào cộng đồng và phòng bệnh như Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ.
Thực tế cho thấy, việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp, chính quyền, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Chương trình Sức khỏe Việt Nam không phải là một chương trình mới mà đây là chương trình tổng thể nhằm kết nối các chương trình, dự án, đề án trong những lĩnh vực liên quan để tập trung thực hiện được các mục tiêu ưu tiên về sức khỏe.
Về các giải pháp cụ thể, theo lãnh đạo Bộ Y tế, ngoài việc thực hiện các nội dung của Chương trình Mục tiêu y tế - dân số, các cơ quan liên quan cần có giải pháp thực hiện tốt Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu chung là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2030, Chương trình Sức khỏe Việt Nam tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là nâng cao sức khỏe, bao gồm các nội dung bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động; nhóm thứ hai, bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh gồm chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh, phòng chống tác hại thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu, bia, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và nhóm thứ 3 là chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật, phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm, chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe người lao động.
Ứng dụng các kỹ thuật cao để cứu chữa người bệnh.
Giải bài toán “dây rút ngược”Cùng với việc triển khai các chương trình này, ngành y tế đã và đang nỗ lực thực hiện đề án “dây rút ngược” để các bệnh viện chung tay thực hiện. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù số lượng người nước ngoài và Việt kiều về Việt Nam chữa bệnh tăng, tuy nhiên, trong năm qua vẫn có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài khám, chữa bệnh với chi phí hơn 2 tỷ USD. Sở dĩ có hiện tượng này vì nhiều Sở Y tế mới chỉ tập trung vào giảm tải, tập trung khám chữa bệnh thông thường, chưa đầu tư phát triển các kỹ thuật cao. Nhiều bệnh viện chưa tập trung tăng cường chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Để giải quyết bài toán này, thời gian tiếp theo ngành y tế nhất thiết phải đẩy mạnh kỹ thuật cao tại các tuyến trên. Trước hết, tuyến xã, tuyến huyện phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người dân tin tưởng ở lại các tuyến này điều trị những bệnh thông thường và bệnh mạn tính.
Bệnh viện tuyến Trung ương sẽ giảm việc khám chữa điều trị cho các bệnh nhân nhẹ, tập trung vào làm kỹ thuật cao, tăng cường dịch vụ theo yêu cầu. Về cơ sở vật chất, các bệnh viện sẽ xây dựng những phòng khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Để triển khai được đề án “dây rút ngược”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, các bệnh viện tuyến Trung ương không được “tham bát bỏ mâm”. Tại sao tuyến Trung ương lại chữa viêm ruột thừa, bó bột, đau bụng, nhức đầu...? Điều này sẽ dẫn tới vấn đề quá tải, làm mất hết hình ảnh bệnh viện.
Thực tế cho thấy, đề án “dây rút ngược” triển khai vào thời điểm này được cho là hợp lý. Vì với chủ trương và định hướng phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu (tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh) đến nay, nhiều bệnh viện đã được trang bị các trang thiết bị y tế hiện đại mà “nước bạn có gì, mình cũng có cái đó”, giá tiền khám, chữa bệnh lại rẻ hơn. Mặt khác, trình độ thầy thuốc Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực, có những thầy thuốc Việt Nam như GS. Nguyễn Thanh Liêm, PGS.TS. Trần Ngọc Lương... là thầy dạy của nhiều bác sĩ trên thế giới. Những kỹ thuật mà người bệnh nước ngoài đang chọn để áp dụng khi đến Việt Nam là: Can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, ghép tạng, ghép tế bào gốc đồng loại, ứng dụng robot định vị trong phẫu thuật cột sống, phẫu thuật nội soi nhi khoa... Trong khi đó, kết hợp du lịch với chữa bệnh đang được nhiều nước triển khai khá thành công.
Thực tế đã nhìn thấy rõ, triển khai thành công đề án “dây rút ngược” sẽ hạn chế người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, đồng thời giữ chân người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam, thay vì chọn nước khác, cũng như thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn