Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Bé béo phì - lớn thấp lùn

Hôm qua, Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra con số đáng giật mình: Tỉ lệ béo phì tại Việt Nam đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương gần 30%. Trong khi đó, chiều cao của người Việt gần như “giậm chân tại chỗ” trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định: Trẻ em Việt Nam hiện nay có hai vấn đề nguy hiểm, cần hết sức lưu tâm là phát triển chiều cao kém và tỉ lệ béo phì ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ vừa lùn vừa béo khi trưởng thành.

Tỉ lệ trẻ em béo phì tăng nhanh, không thể khống chế

“Có 2 điểm mấu chốt ăn sâu trong suy nghĩ của cha mẹ là: Con tôi béo là khỏe, hai nữa là văn hóa ăn… Chính điều này là nguyên nhân gia tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ”. Đó là những chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai - khi được hỏi đến tình trạng béo phì ở trẻ em gia tăng đáng lo ngại hiện nay. Từ xa xưa, đất nước ta còn nghèo, thiếu ăn, người suy dinh dưỡng nhiều, người dân luôn cho rằng cứ béo tốt là béo khỏe, béo đẹp nên ai cũng thích béo, càng béo càng thích. Cũng theo quan niệm văn hóa của người Việt nữa là ăn, cái gì cũng ăn. Văn hoá này xuất hiện ngay cả trong danh từ, bao giờ người ta cũng đệm từ “ăn” ghép vào một từ khác, như ăn mặc, ăn uống, ăn nằm, ăn ở, ăn chơi… Do vậy, khi nền kinh tế chuyển từ chỗ nghèo đói sang kinh tế khá giả hơn nhưng chính chúng ta cũng chưa biết cách hãm cái ăn lại.

GS-TS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam - cho biết: “Béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TPHCM đã tăng từ 3,7% (năm 2000) lên 11,5% (năm 2013) và tỉ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh phổ thông tại TPHCM tăng từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009).

Đồng quan điểm này, TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam - cho biết: “Ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. Như vậy trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.

Tham dự Hội thảo “Phòng chống thừa cân béo phì trẻ em: Lời cảnh báo của chuyên gia” do Hội Dinh dưỡng Việt Nam tổ chức ngày 18.10, diễn viên Hoàng Mập tâm sự: “Các cụ nói vòng eo dài thì vòng đời sẽ ngắn. Chưa có ai nói những người mập sống khỏe cả. Tôi đi tới bất cứ trung tâm hay bệnh viện nào, bác sĩ đều bảo “giảm béo đi”. Hiện tại tôi bị mỡ trong máu, bị cao huyết áp, dễ choáng. Tim cũng có vấn đề, tôi hay bị khó thở, hở van tim...”.

Theo TS Từ Ngữ - PCT kiêm Tổng Thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam - béo phì gây ra nhiều hậu quả y khoa: Không dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu - thoái hóa mỡ gan hoặc viêm gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp…

TS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Nhi T.Ư - cho rằng, một trong những biện pháp tốt để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực: Thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không xem tivi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần. Thay đổi hành vi: Khuyến khích việc tự kiểm soát, tự đặt mục tiêu. Ngủ: 0-5 tuổi (ngủ đủ 11 giờ/ngày); 5-10 tuổi (10 giờ /ngày); trên 10 tuổi (ngủ đủ 9 giờ /ngày).

Các bậc cha mẹ ngày nay chăm sóc con quá kỹ: Không cho con tự vận động, đi đâu cũng đưa đón, trẻ ít vận động ngoài trời và ngồi xem tivi, đọc truyện, say mê vi tính thay vì chơi thể thao, tập thể dục các môn giúp tăng chiều cao như đạp xe, đi bộ, bơi lội, bóng rổ, cầu lông... Bên cạnh đó, mọi gia đình có khuynh hướng ngủ muộn (sau 22 giờ) làm rút ngắn giấc ngủ sâu. Một giấc ngủ sâu bắt đầu từ khoảng 21 giờ, khoảng 22 giờ đến 3 giờ sáng là lúc cơ thể tiết ra hormon tăng trưởng cao nhất, kích thích xương dài hơn.

Gia tăng trẻ em béo phì. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Gia tăng trẻ em béo phì. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Lúc bé béo - lớn lên sẽ...lùn

Theo các BS, một trong những hậu quả nghiêm trọng nữa là trẻ thừa cân, béo phì thường cao lớn hơn so với tuổi nhưng khi đến tuổi dậy thì, trẻ có xu hướng thấp hơn so với bạn bè.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì được xem là một bệnh mãn tính, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Béo phì nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn sẽ có nhiều biến chứng như: Xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh nhồi máu cơ tim, đái tháo đường. Đối với trẻ em trong giai đoạn phát triển thì việc thừa cân, béo phì sẽ cản trở quá trình cao lên của trẻ.

Trẻ thừa cân thường có xu hướng thích các nhóm thực phẩm giàu đạm, nhiều chất béo, thức ăn nhanh và đồ ngọt. Nhóm thực phẩm này chính là tác nhân gây cản trở quá trình hấp thụ canxi, khiến cơ thể không đảm bảo lượng canxi cần thiết cho quá trình phát triển xương và cao lên.

Với cơ thể nặng nề khi thừa cân, béo phì các bé trở nên chậm chạp, lười vận động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có ảnh hưởng lớn với quá trình tăng chiều cao. Mặt khác việc trọng lượng cơ thể quá cao so với sức chịu đựng còn non yếu của hệ cơ xương khớp càng khiến trẻ không dám vận động, ngồi lỳ một chỗ. Áp lực này cũng ngăn cản sự phát triển dài ra ở phần đầu sụn xương để tăng chiều cao.

Trong khi đó, trong báo cáo “Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cơ thể người Việt Nam”, TS-BS Trương Hồng Sơn - Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết, tại Việt Nam, nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 164,4cm; đồng thời nữ giới Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 153,6cm. Trong vòng 100 năm qua, chiều cao đàn ông Việt Nam tăng 9,1cm và phụ nữ chỉ tăng 8,8cm. Trên thế giới, trong vòng 100 năm qua, nữ giới Hàn Quốc và nam giới Iran đã đạt mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất với mức tăng tương ứng là 20,2cm và 16,5cm”.

Các nhà khoa học hiện nay cho rằng, tầm vóc của người Việt Nam đã có những sự thay đổi. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chiều cao của người Việt Nam còn chậm hơn so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới.

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2025, chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 1,67m (hiện nay là 1,63m) và nữ là 1,56m (hiện nay 1,53m). Tuy nhiên, chiều cao của nam và nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới lần lượt là 13,1cm và 10,7cm, đây vẫn là một rào cản lớn của người Việt. Một trong những nguy cơ hiện nay đang phải đối mặt là tỉ lệ trẻ em béo phì đang gia tăng, điều này dẫn đến hiện tượng thấp lùn trong tương lai.

Theo Thùy Linh/LĐ

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image