6 ngày, 3 ca tử vong do cúm A
Tại cuộc họp Giao ban phòng chống đại dịch cúm ở người chiều 9/9, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Khi em có biểu hiện sốt (ngày 29/8), gia đình đã tự mua thuốc, điều trị cho em tại nhà. Đến ngày 2/9, em vẫn chưa dứt sốt, gia đình mới đưa vào điều trị tại bệnh viện Khánh Linh, Bình Thuận. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuyển tới bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.
Tuy nhiên, sau một ngày điều trị, bệnh nhi không biến chuyển tốt nên ngày 3/9 em đã được chuyển tới Viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng sốt li bì, chụp X-quang thấy viêm phổi, bệnh tiến triển nhanh. Nghi ngờ nhiễm cúm A(H1N1) và viêm màng não nên bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Tamiflu và kháng sinh, đồng thời lấy máu xét nghiệm. Đến ngày 5/9 Viện Paster Hồ Chí Minh trả lời kết quả dương tính cúm A(H1N1).
Dù được tiếp tục điều trị tích cực, cho thở máy nhưng đến máy nhưng đến 10h45 phút ngày 9/9, bệnh nhi đã tử vong.
Về ca tử vong này, ông Lương Ngọc Khuê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, theo chẩn đoán ban đầu rất có thể bệnh nhi tử vong do nhiễm cúm A(H1N1) trên nền viêm não.
Về 2 trường hợp tử vong trước đó, cả 2 bệnh nhân đều có bệnh mãn tính phối hợp với cúm A(H1N1). Cụ thể trường hợp Nguyễn Thị X. (56 tuổi, ngụ tại Q. Bình Thạnh, TPHCM) tử vong ngày 4/9 có tiền sử với bệnh tâm thần; Dương Văn T. (51 tuổi) tử vong ngày 7/9 có tiền sử mắc rất nhiều bệnh mãn tính là suy thận mãn giai đoạn cuối, thiếu máu cơ tim, đái tháo đường, cao huyết áp....
Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã có 5 ca tử vong trên tổng số 4.060 ca nhiễm cúm A(H1N1) được ghi nhận. Trong đó, chỉ riêng từ ngày mùng 4-9/9 đã có liên tiếp 3 ca tử vong liên quan đến cúm A(H1N1).
Vì thế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh cần xem xét kỹ lại 5 ca tử vong này, đặc biệt ca bệnh tại Đồng Nai, vì cúm A(H1N1) thường không biểu hiện sốt cao li bì. Dù đã khẳng định bệnh nhân dương tính cúm A(H1N1), nhưng có thể tử vong do bệnh lý viêm não chứ không phải là do cúm. Cục Quản lý Khám chữa bệnh cần cử một đoàn chuyên gia vào Đồng Nai, TPHCM phối hợp tìm hiểu thực tế chi tiết các ca bệnh để làm bài học cho tất cả các bệnh viện trong cả nước về điều trị bệnh nhân cúm A(H1N1), kể cả các bệnh nhân cúm đồng thời mắc các bệnh mãn tính, nếu điều kiện điều trị tốt thì cũng không nguy hiểm.
Nhiều ca bệnh cảnh nặng như cúm A/H5N1
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết: "Hiện tại Viện không còn tình trạng quá tải bệnh nhân cúm do phối hợp tốt với các bệnh viện vệ tinh, điều trị bệnh nhân cúm A(H1N1) ngay tại tuyến cơ sở".
Tuy nhiên ở Viện hiện đang điều trị cho hai ca cúm A(H1N1) có biểu hiện viêm phổi nặng tới mức lúc đầu các bác sĩ nghi ngờ cúm A/H5N1. Hai trường hợp này đều là người lớn, một 19 tuổi, một 26 tuổi; không có bệnh mãn tính và khi mới nhập viện tuyến dưới biểu hiện bệnh cảnh giống cúm nên đã chuyển lên tuyến trên trong tình trạng khó thở, đau ngực. Tại đây, hai bệnh nhân được chụp X-quang thấy viêm phổi lan tỏa cả hai bên, diễn biến viêm phổi rất nhanh, bệnh cảnh nặng giống cúm A(H5N1). Nhưng kết quả xét nghiệm PCR đã khẳng định bệnh nhân dương tính cúm A(H1N1). Sau khi được cấp cứu, thở máy, điều trị Tamiflu kết hợp kháng sinh chống bội nhiễm, nâng cao thể trạng, hiện tình trạng bệnh đã khá hơn và tiên lượng cứu sống được hai ca bệnh này.
Trước lo ngại của nhiều người về khả năng biến đổi của virus cúm A(H1N1), gây diễn tiến bệnh nhanh, nặng ở bệnh nhân, ông Kính cho rằng chưa có cơ sở cho thấy sự biến đổi gen của virus. Bình thường, cúm A(H1N1) vẫn biểu hiện nặng ở những người khỏe mạnh và có thể dẫn đến tử vong. Nhưng điều này hoàn toàn bình thường, giống với một số bệnh truyền nhiễm nói chung, điển hình như cúm mùa. Hơn nữa, các ca bệnh cảnh nặng tại Viện đều đã được xét nghiệm PCR và chỉ tìm thấy virus cúm A(H1N1). Kết quả phân lập gen của Viện Vệ sinh dịch tễ TW thì cúm A(H1N1) vẫn ổn định kháng nguyên, chưa có sự biến đổi.
"So với tỷ lệ tử vong cúm A(H1N1) trên thế giới và tỷ lệ tử vong do cúm mùa thì số ca tử vong 5/4.060 ca nhiễm cúm A(H1N1) tại Việt Nam còn rất thấp. Tuy vậy, diễn biến, bệnh cảnh lâm sàng loại cúm này còn đa dạng, phong phú nên chúng ta không thể chủ quan. Nhất là hiện nay, thời tiết vẫn nóng bức nên virus không có điều kiện phát triển mạnh; thời tiết lạnh dần, số bệnh nhân mắc nhiều hơn, sẽ xuất hiện nhiều bệnh nhân nặng vì thế càng không được chủ quan. Mọi người cần nhớ, cúm A(H1N1) biểu hiện nhẹ, nhưng vẫn cần theo dõi, phát hiện, điều trị sớm. Khi thấy khó thở, đặc biệt là ở trẻ em, người già cần đưa ngay tới bệnh viện để được điều trị tốt nhất, hạn chế nguy cơ tử vong do biến chứng", TS Kính cảnh báo.
Hồng Hải
Theo nguồn: www.dantri.com.vn