Ám ảnh từ cái chết của người thân
Bước sang tuổi 80, vị giáo sư đáng kính của ngành y tế nước nhà vẫn miệt mài làm việc. Dù đã nghỉ hưu nhưng với ông khi nào trái tim còn nhịp đập thì còn cống hiến. Ông mải mê đọc những tài liệu nước ngoài cập nhật về chuyên ngành tim mạch can thiệp. Với vị chuyên gia đầu ngành này, bể học không bao giờ cạn.
Từ ngày còn bé, khi con chim bồ câu được mẹ giết làm thịt, giáo sư Khải đã động lòng trắc ẩn khóc vì thương con chim. Ông đã nghĩ bây giờ làm thế nào để con chim đó sống lại. Có lẽ đó cũng là niềm đam mê để ông đến với nghề y.
Sau này, lớn hơn một chút, giáo sư Khải nhớ người bác gái của mình đã đột tử vì chăm anh trai họ bị ốm. Sau này ông mới biết bác mình đã đột tử vì căn bệnh nhồi máu cơ tim. Nhưng lúc nào ông cũng cảm thấy nuối tiếc vì không cứu được bác của mình.
GS Phạm Gia Khải vừa sắp xếp lại những dụng cụ y học đang ngổn ngang trên bàn làm việc, vừa kể lại những kỷ niệm mà ông không bao giờ quên ấy. Cái kỷ niệm mà ông bảo, đã tác động rất lớn đến con đường lập nghiệp của ông sau này. Con đường chữa bệnh cứu người.
Bệnh nhân là người để bác sĩ nói lời cảm ơn
Nói tới chữ nghề, GS Phạm Gia Khải chỉ cười: “Nghề nào thì cũng do mình chọn con đường đi cho mình, con đường của tôi phải khác với con đường của các bạn”.
Bệnh viện Bạch Mai là nơi ông gắn bó cả đời mình với vai trò từ một bác sĩ trẻ cho đến vị giáo sư đáng kính. Với GS Khải, người bệnh cũng là người để các bác sĩ nói lời cảm ơn.
Nhớ lại những năm mới ra trường, có một bệnh nhân nhà ở bãi Phúc Xá, sông Hồng bị viêm phổi nặng. Người nhà mời bác sĩ Khải đến thăm bệnh. Khi ông đến, cháu bé đã không thể chữa được. Đứa trẻ chết trên tay ông, còn ông cứ khóc rưng rưng vì bất lực. Sau này, y học phát triển ông chỉ mong ước, thời đó giá như chỉ cần có máy móc, thuốc men tốt hơn, ông đã có thể cứu được cháu bé ấy.
Năm 35 tuổi, ông cấp cứu cho một bệnh nhân mới 17 tuổi, bị bệnh hẹp van tim, suy tim nặng. Ông biết bệnh nhân khó có thể qua khỏi. Ngay cả bản thân bệnh nhân cũng biết mình sẽ chết.
Lúc đó, giáo sư Khải đến bên giường bệnh, cậu ấy đang cố gắng thở mạnh. Nhìn thấy bác sĩ, người bệnh đã nắm chặt tay ông “chú ơi, cháu tặng chú gói thuốc lá này”. Đó là một gói thuốc lá Tam Đảo, lúc đó vốn là thứ quý hiếm lắm. Bác sĩ Khải trả lời “tôi không hút thuốc lá” nhưng người bệnh nhân này bảo “cháu biết chú không hút thuốc lá, nhưng cháu vẫn tặng chú để chú nhớ cháu và sau này chú sẽ cứu được nhiều người bệnh như cháu hơn”.
Vị bác sĩ cầm vội bao thuốc rồi đi ra ngoài, mắt cay xè bất lực vì chuyên môn có hạn không thể cứu được thanh niên ấy. Thanh niên đó qua đời, bao thuốc lá Tam Đảo được giáo sư Khải giữ lại làm kỷ niệm cho đến khi nó bị mục nát.
Mỗi lần nhìn vào bao thuốc, lời trăng trối cuối cùng của bệnh nhân trẻ, ông lại tự nhủ mình rằng phải cố gắng học hỏi hơn nữa để cứu chữa cho bệnh nhân của mình. Niềm tin của bệnh nhân dành cho ông chính là động lực để ông học hỏi, đưa những kỹ thuật mới về Việt Nam và chuyển giao cho học trò sau này.
Giáo sư Khải cười “cả đời tôi chỉ biết dạy học trò bằng cách cầm tay chỉ việc và khi ấy phải có bệnh nhân thì mới được. Nên thành công phải nói lời cảm ơn với người bệnh. Người bệnh chính là người “nuôi” ta trưởng thành trong nghề nghiệp”.
Nguồn Infonet.vn