Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Bệnh nhân tin tưởng và rất tuân thủ điều trị

“Cám ơn sự thân thiện của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi, Sở Y tế đã giành sự yêu thương bệnh nhân như yêu thương con cái. Tôi vô cùng biết ơn họ rất nhiều”.

Đây là những dòng chữ nguệch ngoạc của bệnh nhân tên K.Đ (BN582) viết trong ngày hôm qua (16.8) được Bệnh viện Phổi Đà Nẵng công bố khỏi bệnh cùng với BN615.

BN582 (nam, 55 tuổi, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là trường hợp bệnh nhân nặng, phải hồi sức tích cực trong hơn 2 tuần. Bệnh nhân có các bệnh lý nền là tăng huyết áp, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Để điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ phải thực hiện ECMO và thay huyết tương. Sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân đã cai được ECMO từ ngày 5.8 và chuyển sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để thực hiện thay huyết tương và tiếp tục điều trị Covid-19. Bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm 4 lần âm tính với SARS-CoV-2 vào các ngày 4 -9- 12 - 14.8.

56905BN 582 ra vien

Bệnh nhân 582 viết lời cảm ơn và tặng hoa bác sĩ

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) người đã điều trị trực tíêp cho bệnh nhân khẳng định bệnh nhân đã được điều trị khỏi Covid-19. Tuy nhiên, bệnh nhân cần giai đoạn phục hồi chức năng và trở lại bình thường trong khoảng 1 tuần nữa khi tình trạng ổn định hơn. Phát biểu tại buổi công bố khỏi bệnh, Ths. Bs Nguyễn Trọng Khoa, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá cao sự nỗ lực của các y bác sĩ để cứu sống và giúp bệnh nhân phục hồi. Đây là những tín hiệu tích cực để giúp các bác sĩ và mọi người dân lạc quan hơn trong cuộc chiến phòng chống Covid-19. Cùng với BN582, BN 615 (nữ, 27 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được công bố được công bố khỏi bệnh và  xe y tế chở về nhà và tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà trong 14 ngày theo quy định.

Trong khi đó, tại Khoa lọc thận nhân tạo,Trung tâm Y tế Hoà Vang (Đà Nẵng) đang quay như chong chóng với 21 bệnh nhân nặng. Chỉ vào một bệnh nhân ở phòng bệnh, TS.Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) được cử vào chi viện tại Đà Nẵng cho biết, bệnh nhân bị viêm phúc mạc không thể dùng màng lọc vòng bụng được mà phải phải chuyển sang chạy thận nhân tạo. “Hôm qua bệnh nhân diễn biến nặng lên phải đặt ống nội khí quản và chiều nay ổn định hơn nên chúng tôi cho chạy thận nhân tạo”, bác sĩ Dũng nói.

TS Nguyễn Hữu Dũng cả ngày tất bật với bệnh nhân lọc thận nhân tạo

Một ngày hai lần sáng và chiều TS.Nguyễn Hữu Dũng cùng các đồng nghiệp đi kiểm tra bệnh án của bệnh nhân. “Các bệnh nhân đều nặng, nên mỗi lần mặc quần áo bảo hộ vào thì phải kiểm tra, theo dõi rất cẩn thận, làm hết các việc, mỗi buổi khoảng 2 – 3 tiếng. Nhóm bệnh nhân hồi sức tích cực và nhóm bệnh nhân chạy thận luôn luôn phải kết hợp với nhau. Các bác sĩ hội chẩn những bệnh nhân nào nặng thì phải chuyển sang hồi sức tích cực, khi nào đỡ lại chuyển sang chạy thận nhân tạo để lọc máu. Và bệnh nhân lọc máu xong thì chuyển về khu nhà 5 tầng để lọc máu, điều trị ở đấy. Khu đó cũng có bác sĩ thận tiết niệu, bác sĩ nội khoa điều trị, chúng tôi hội chẩn cùng với họ cái gì cần bổ sung, cái gì cần bớt và cùng làm để chia việc thì phối hợp mới chặt chẽ được. Nếu một mình tôi làm thì không thể làm xuể”, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Dũng, hiện tại Trung tâm Y tế Hoà Vang đang có 3 máy lọc máu liên tục là 3 máy hiện đại nhất ở các Bệnh viện đầu ngành tập trung về. Máy này dành cho những trường hợp mà huyết động không ổn định, bệnh nhân không thể chạy thận nhân tạo được thì bắt buộc phải dùng lọc máu liên tục. Trường hợp bệnh nhân thứ hai là bệnh nhân cần phải lấy chất cytokine và các chất độc  mà thận nhân tạo không lọc được thì phải dùng thiết bị này, và cực kỳ tốn kém. Các bệnh nhân còn lại được chia ngày chẵn, ngày lẻ, ca sáng, ca chiều để xếp lịch lọc máu. Tuy nhiên, nếu có bệnh nhân nào bất thường cần phải lọc máu thì cấp cứu ngày, bởi bệnh nhân diễn biến rất nhanh.

Không chỉ theo dõi bệnh nhân mà phòng kỹ thuật dành cho hệ thống lọc thận nhân tạo cũng được bác sĩ Dũng kiểm tra 2 -3 lần, kiểm tra bằng cách gõ vào phía trên và phía dưới bình xem có đầy không, kiểm tra bình nước RO. Một công tác khác là cũng thể hiện sự chuyên nghiệp của TS Dũng là không được nhầm lẫn giữa các bệnh nhân. "Bệnh nhân nào lấy máu rồi thì phải đánh dấu vào. Làm ở đây không được phép sai sót. Và đặc biệt không được nhầm bệnh nhân này sang bệnh nhân kia. Bởi vì trong điều kiện căng thẳng này rất có thể mình bị nhầm. Em phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Đến anh các bệnh án thuộc lòng rồi còn phải kiểm tra đi kiểm tra lại không biết bao nhiêu lần", bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai dặn dò nhân viên y tế.

Nguồn: http://vanhoaonline.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image