70% bệnh nhân đều ăn thịt chó, mắm tôm
Tại Hà Nội, số bệnh nhân nghi tiêu chảy cấp nguy hiểm lũy tích tính đến ngày 13/5 là 215 trường hợp, xuất hiện tại 117 xã, phường của 20 quận, huyện. Theo điều tra dịch tễ từ những bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp cho thấy, có đến 70% trường hợp mắc tiêu chảy cấp đều ăn thịt chó, trong đó 3 ca dương tính với phẩy khuẩn tả.
Ngay lập tức, sáng ngày 14/5, 2 đoàn kiểm tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã tiến hành kiểm tra các cơ sở giết mổ chó tại xã Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội), một số cửa hàng bán thịt chó trên phố Hàng Than (quận Ba Đình), đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Qua kiểm tra, đoàn tiếp tục phát hiện nhân viên bán hàng không đeo găng tay, không dùng khẩu trang trong chế biến thực phẩm. Thực phẩm sống, chín đều không che đậy và để lẫn vào nhau.
Về phía thành phố Hà Nội, đoàn kiểm tra của Sở Y tế do đích thân Giám đốc Lê Anh Tuấn trực tiếp kiểm tra đột xuất các cơ sở chế biến, bán thịt chó khá nổi tiếng trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy). Qua kiểm tra nhà hàng Dũng thịt chó (ở 373 Nguyễn Khang), chủ nhà hàng xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc chó nhập từ Lào về rồi "dừng chân" tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) sơ chế mới chuyển ra Hà Nội. Tuy nhiên, khi trưởng đoàn kiểm tra hỏi mua chó từ cơ sở nào tại Thanh Hóa thì chủ nhà hàng lại giải thích quanh co là chó được mua ở đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đến đây, chủ nhà hàng Dũng thịt chó không thể chứng minh được nguồn gốc xuất xứ cụ thể. Điều lo ngại là cơ sở này chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Theo lý giải của chủ nhà hàng, do quán mới sang tên đổi chủ được... vài tháng, cho nên đang hoàn tất hồ sơ để xin cấp.
Tương tự, tại nhà hàng thịt chó Sơn Hải ở 369 Nguyễn Khang, tại thời điểm kiểm tra, nhà hàng này cũng không xuất trình được nguồn gốc xuất xứ của thịt chó, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn thịt chó mà chủ nhà hàng chỉ giải thích chung chung: Thịt chó do các thợ buôn từ Hải Dương cung cấp.
Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu thịt chó về xét nghiệm và lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động đối với 2 cơ sở trên.
Chính quyền cơ sở không thể thờ ơ!
Theo kết quả xét nghiệm lấy mẫu tại 4 cơ sở giết mổ chó ở thôn La Dương và thôn Ỷ La (xã Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) do Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện, công bố ngày 13/5, có 5/6 mẫu thịt và phân chó được xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả: 1 mẫu da chó đã được sơ chế, 1 mẫu da chó đã thui, 1 mẫu thịt chó bày bán trên sạp và 2 mẫu lấy ở hậu môn chó đã thui và chó sống. Đặc biệt, 2 mẫu xét nghiệm phát hiện có phẩy khuẩn tả trong hậu môn chó, gây lo ngại về việc phát tán rộng mầm bệnh trong môi trường. Đây cũng là phát hiện đầu tiên thấy phẩy khuẩn tả trong đường ruột của chó. Các cơ sở giết mổ tại Dương Nội cho biết, nguồn chó này được bán cho các điểm kinh doanh tại Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Nhật Tân, Mai Động, Hàng Than - Hà Nội và thịt chó được nhập từ Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ngoài ra, một số mẫu nước rửa thịt chó, các dụng cụ như dao, thớt, bàn bày bán thịt chó... cũng cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả. Ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ trước đến nay chưa phát hiện có phẩy khuẩn tả trong đường ruột của chó. Do vậy, qua phát hiện này, nếu không kiểm soát được nguồn thịt chó mang phẩy khuẩn tả thì rất dễ bị phát tán ra môi trường và nguồn nước... Rất may là 25 mẫu nước được lấy tại 18 hồ ao và 55 mẫu nước sạch ở những nơi có nguy cơ cao trên địa bàn Hà Nội hiện đều cho kết quả âm tính với phẩy khuẩn tả.
PGS.TS. Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế cho biết thêm, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm đang rất báo động. Do vậy, công tác thanh kiểm tra, đặc biệt là công tác hậu kiểm giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Muốn làm tốt công tác này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở nhằm kiểm soát hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng... Ngoài ra, cần phải cương quyết đình chỉ, không cấp giấy phép cho những cơ sở không đạt chất lượng ATVSTP, có như vậy mới loại bỏ được những mầm mống, những nguy cơ mất an toàn từ những hàng hóa, thực phẩm mang lại.
Theo nguồn www.moh.gov.vn