Chăm sóc bệnh nhân chu đáo tận tình
Điều dưỡng viên - một nghề khó khăn và gặp rất nhiều thử thách
Điều dưỡng là một nghề cao quý, một vị trí quan trọng không thể thiếu trong hệ thống y tế. Công việc hàng ngày của điều dưỡng ngoài việc thực hiện các chỉ định thuốc, xét nghiệm cho người bệnh, điều dưỡng luôn bên cạnh theo dõi từng diễn biến, động viên tinh thần, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh. Ngày nay, với sự phát triển của nghề, điều dưỡng đã khẳng định vai trò chủ động trong khám nhận định người bệnh để đưa ra những kế hoạch chăm sóc phù hợp với từng người bệnh, nâng cao hiệu quả chăm sóc và điều trị. Trong chăm sóc, an toàn người bệnh luôn là tiêu chí được đặt lên hàng đầu, điều dưỡng luôn nhận thức đúng và tuân theo những chuẩn mực đạo đức của một nhân viên y tế, những quy định về Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của một người Điều dưỡng viên Việt Nam. Với đặc thù công việc, điều dưỡng luôn là người đầu tiên và thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, người nhà người bệnh trong tất cả các quy trình tiếp đón, thăm khám, chăm sóc và điều trị. Đặc biệt đối với những đơn vị hồi sức, đơn vị chăm sóc đặc biệt nơi tập trung nhiều người bệnh nặng bệnh mắc các bệnh dịch nguy hiểm, nguy kịch thì cường độ làm việc của điều dưỡng rất căng thẳng. Điều đó đòi hỏi người điều dưỡng không những phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong chăm sóc người bệnh màcòn phải có đủ sức khỏe và tình yêu thương người bệnh mới có thể hoàn thành việc theo dõi, chăm sóc người bệnh. Trong quá trình chăm sóc người bệnh, điều dưỡng luôn phải tiếp xúc với máu, dịch tiết và nhiều loại bệnh phẩm có nguy cơ lây nhiễm cao, nhiều loại hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Dụng cụ, trang thiết bị y tế cung cấp chưa đồng bộ để thuận tiện cho việc theo dõi, chăm sóc người bệnh. Ngoài công việc chăm sóc người bệnh, điều dưỡng còn tham gia rất nhiều công việc hành chính khác: Thủ tục thanh toán ra viện, vào viện, lĩnh thuôc, quản lý máy, trang thiết bị vật tư…
Theo Hiệp hội Lao động Hoa Kỳ, những nghề dễ gây stress nhất thường có yếu tố mạo hiểm có ảnh hưởng tới tính mạng con người. Nghề điều dưỡng là một trong những nghề đứng đầu danh sách. Tại Việt Nam, sức ép quá lớn của công việc khiến tỉ lệ nhân viên y tế bị stress rất cao. Theo khảo sát của Viện Y học lao động & Vệ sinh môi trường tại một khoa hồi sức cấp cứu, gần 23% số nhân viên có điểm stress ở mức cao, 42% có điểm stress ở mức trung bình. Hơn 20% số điều dưỡng than phiền rằng họ thường xuyên có các biểu hiện: cảm thấy nhức đầu, có cảm giác lo âu và căng thẳng tinh thần, giấc ngủ bất thường.
Hiện nay, có nhiều kênh thông tin đôi khi chưa phản ảnh đúng những sự cố không mong muốn trong chăm sóc, điều trị và giao tiếp đã làm ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của người điều dưỡng, môi trường làm việc căng thẳng, đối diện với nhiều áp lực đó là những khó khăn, thách thúc và là đặc thù của nghề điều dưỡng.
Tập thể Điều dưỡng - Hộ sinh - Kỹ thuật viên - Hộ lý cam kết thay đổi toàn diện hướng tới người bệnh
Để cam kết được triển khai hiệu quả, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ đạo triển khai đồng loạt trên nhiều khía cạnh: Tiếp tục đổi mới quy trình, cải tiến thủ tục hành chính đào tạo các kỹ năng xử lý tình huống cho nhân viên bệnh viện và trên hết là cải biến nhận thức của toàn thể cán bộ y tế công tác tại bệnh viện: .
Nhận thức được vai trò quan trọng trong chuyên môn và trong giao tiếp ứng xử của điều dưỡng trong công tác khám chữa bệnh. Thực hiện chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Phòng Điều dưỡng đã phối hợp với Phòng Tổ chức Cán bộ, Công đoàn Bệnh viện, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phòng Công tác Xã hội… tổ chức nhiều khóa tập huấn nâng cao nghệ thuật giao tiếp trong môi trường bệnh viện cho điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên bệnh viện. Điều dưỡng của một số đơn vị trọng điểm như Khoa Khám bệnh, Hồi sức tích cực, Cấp cứu…được cử đi học tập, nâng cao kỹ năng giao tiếp trong công tác quản lý tại các quốc gia: Nhật Bản, Thái Lan. Trên cơ sở đó, bệnh viện tiếp tục bồi dưỡng nâng cao chất lượng “giảng viên nguồn” huấn luyện cho toàn bộ đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý của bệnh viện.
CN. Bùi Minh Thu, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, nghề điều dưỡng còn nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, để ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, Bệnh viện đã triển khai thực hiện rất nhiều hoạt động đổi mới toàn diện phong cách và thái độ phục vụ của điều dưỡng, kỹ thuật viên hướng tới sự hài lòng của người bệnh như: Xây dựng cuốn tài liệu 14 tình huống giao tiếp thường gặp trong chăm sóc người bệnh. Xây dựng kế hoạch đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng người bệnh. Xây dựng hòm thư góp ý tại các đơn vị trong toàn bệnh viện. Xây dựng công cụ đánh giá về kiến thức, kỹ năng thực hành giao tiếp ở tất cả các đối tượng, lắng nghe các ý kiến phản hồi của người bệnh, gia đình người bệnh và đồng nghiệp trong/ngoài Bệnh viện.. Xây dựng các tiêu chí đánh giá thực hành giao tiếp phối hợp (Phát loa, họp hội đồng người bệnh, đi buồng của điều dưỡng trưởng đơn vị, Điều dưỡng trưởng khối, kiểm tra đột xuất của Ban đánh giá bệnh viện…), Tổ chức đào tạo kỹ năng giao tiếp theo từng chuyên đề phù hợp với từng đối tượng. Đối với Điều dưỡng/Hộ sinh/Kỹ thuật viên đào tạo theo tình huống giao tiếp phù hợp với từng chuyên khoa., tổ chức hội thảo quốc tế phối hợp với tổ chức REI – Hoa Kỳ với chủ đề “Nghệ thuật làm hài lòng khách hàng trong môi trường bệnh viện”… Nhóm đầu tiên Bệnh viện hướng đến là 314 điều dưỡng mới ra trường đang học nâng cao tay nghề tại Bệnh viện. Đó là những điều dưỡng trẻ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong môi trường tiếp xúc với người bệnh, vì vậy, ngoài đào tạo kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ y cho học viên, chúng tôi còn huấn luyện nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống trong giao tiếp, xây dựng nền tảng văn hoá giao tiếp cho mỗi cá nhân trong môi trường bệnh viện. Nhóm thứ 2 Bệnh viện hướng đến là 1.380 cán bộ điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh, hộ lý đang công tác tại Bệnh viện. Tất cả 1.694 cán bộ, học viên này sẽ được tham gia khoá huấn luyện với các nội dung thiết thực, cụ thể như: Nghệ thuật chăm sóc khách hàng, kỹ thuật truyền thông hiệu quả, kỹ thuật gây thiện cảm, kỹ thuật sử dụng ngôn từ trong giao tiếp, kỹ thuật động viên người bệnh và thân nhân người bệnh bằng tương tác tâm lý, kỹ thuật kiềm chế cảm xúc trước áp lực công việc và áp lực giao tiếp của nhân viên y tế và 14 kỹ thuật giao tiếp cơ bản. Song song với công tác đào tạo liên tục, Bệnh viện cũng tổ chức đánh giá việc thực hiện đổi mới này tại các đơn vị trong bệnh viện.
Kết quả bước đầu cho thấy đã có rất nhiều các đơn vị trong Bệnh viện xung phong và mong muốn được kiểm tra, đánh giá và hỗ trợ cải thiện giao tiếp tại khoa phòng của mình.
Điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai nói riêng, Điều dưỡng Việt Nam nói chung đang trên đà hội nhập quốc tế, để dần khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của mình trong công tác chăm sóc người bệnh, Tập thể điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, nghệ thuật giao tiếp ứng xử đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng người bệnh. Đó chính là mục tiêu chăm sóc của Bệnh viện Bạch Mai.