Tại đây, các giảng viên đến từ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ các kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về đột quỵ, các dấu hiệu sớm để phát hiện được bệnh nhân đột quỵ và quy trình kết nối với các bác sỹ của Đơn vị Đột quỵ, Khoa Hồi sức cấp cứu để khẩn trương vận chuyển bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ đến bệnh viện huyện để khám, chẩn đoán kịp thời trong thời gian vàng cho người bệnh…Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia hỗ trợ về quy trình của chương trình Angels. Đây là một chương trình toàn cầu, phi thương mại được cố vấn bởi Hội Đột Quỵ Thế giới và Hội Đột Quỵ Châu Âu thông qua việc cung cấp các bảng kiểm, quy trình chuẩn nhằm tối ưu hóa quy trình chăm sóc Đột Quỵ trên cả nước. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của toàn bộ cán bộ nhân viên thuộc 2 bệnh viện Đồng Văn, Vị Xuyên và nhân viên y tế thôn bản, cũng như trạm y tế các xã.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ cắt băng ra mắt hai đơn vị đột quỵ não đầu tiên tại 2 bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Hà Giang. Bên cạnh việc tập huấn, cầm tay chỉ việc, các bác sỹ của Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai cũng kết nối từ xa qua Hệ thống Telehealth để tư vấn, hỗ trợ ngay các trường hợp đột quỵ vào cấp cứu tại các bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Hà Giang. Việc hội chẩn qua Hệ thống Telehealth nhằm xóa nhòa khoảng cách địa lý trắc trở, giúp người dân nơi địa đầu đầu Tổ Quốc được thụ hưởng các chuyên môn y tế như tuyến Trung ương. Các thầy của Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai cùng hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ địa phương nhằm đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho người bệnh đột quỵ.
Chia sẻ về lý do triển khai chương trình này, PGS.TS. Mai Duy Tôn cho biết: “Đồng Văn, Mèo Vạc, Vị Xuyên… mảnh đất địa đầu của Tổ quốc - nơi cách thủ đô hàng trăm cây số, nếu không may có người bị ốm, đột quỵ muốn về thủ đô để ứng dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết hay lấy huyết khối - với thời gian di chuyển khoảng 10 tiếng thì đã qua mất giờ vàng, mất đi cơ hội của người bệnh. Nhận diện vấn đề này, với vai trò là Bệnh viện đầu ngành, người anh cả của y tế phía Bắc, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nói chung và Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai nói riêng cùng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y dược Bạch Mai đã lập chiến lược nâng cao năng lực tại chỗ cho y tế của Hà Giang”.
Theo đó, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp cùng Sở Khoa học công nghệ và Sở Y tế tỉnh Hà Giang, BVĐK tỉnh triển khai đề án “Nghiên cứu nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. PGS.TS. Mai Duy Tôn nhấn mạnh: “Bệnh nhân đột quỵ não vốn phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian vàng, chỉ trong cửa sổ 4,5 giờ với điều trị thuốc tiêu huyết khối và 6 giờ đầu với điều trị lấy huyết khối”. Chính vì vậy, mục tiêu của Đề án hướng tới việc xây dựng các Đơn vị Đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện, lựa chọn bác sỹ và điều dưỡng về học tập cầm tay chỉ việc 3 tháng tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. Sau 3 tháng đào tạo nghiêm túc, các học viên sẽ trải qua kỳ đánh giá và thi thực hành vô cùng gắt gao. Nếu đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế, học viên sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục “Chăm sóc người bệnh đột quỵ não và sử dụng thuốc tiêu huyết khối”.
Đề án “Nghiên cứu nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang bắt đầu được triển khai từ tháng 10/2023. Sau 6 tháng triển khai, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hà Giang, BVĐK tỉnh tổ chức Hội thảo toàn tỉnh về: Cập nhật các kiến thức về đột quỵ não cho cán bộ y tế các bệnh viện trên toàn tỉnh Hà Giang. Chương trình đào tạo cũng đã hoàn thành bước đầu cấp chứng nhận cho 4 bác sỹ và 8 điều dưỡng của 4 bệnh viện tuyến huyện bao gồm: Bệnh viện huyện Đồng Văn, Bệnh viện huyện Vị Xuyên, Bệnh viện huyện Hoàng Su Phì và Bệnh viện huyện Quang Bình. Đồng thời đề án cũng đang triển khai hỗ trợ ban đầu mỗi bệnh viện 3 lọ thuốc tiêu huyết khối cho người bệnh đột quỵ thiếu máu não đến viện sớm trong 4,5 giờ.
Có thể nói: Việc ra đời của các Đơn vị Đột quỵ tại các Bệnh viện tuyến huyện ở vùng biên giới xa xôi, đồng thời đáp ứng đầy đủ yêu cầu triển khai kỹ thuật tiêu huyết khối cho người bệnh đột quỵ cấp đến sớm trong vòng 4,5 giờ có ý nghĩa rất quan trọng cho đồng bào địa phương cũng như những khách du lịch đến với Hà Giang. Kết quả của đề án không chỉ dừng ở việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương mà còn giúp nâng cao vị thế của Hà Giang trên bản đồ du lịch. Bởi lẽ, du khách đến với Hà Giang nếu không may bị ốm, mệt, nghi ngờ đột quỵ thì cũng được hưởng các dịch vụ y tế với chuyên môn cao tương đương như đang ở Bệnh viện tuyến Trung ương.
PGS.TS. Mai Duy Tôn cho biết: Đây là đề án nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện ở tỉnh miền núi đầu tiên trên cả nước. Dự án thành công sẽ giúp nhân rộng mô hình cho các tỉnh miền núi và trung du, khi mà việc vận chuyển, đi lại rất khó khăn đối với các huyện vùng xâu, vùng xa...
Diệu Hiền