Bác sĩ Lưu Kính Khương, Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức cho biết chàng trai sinh năm 1995, ngụ Nhà Bè, được chuyển đến viện lúc gần 4h sáng trong tình trạng lơ mơ, huyết áp không đo được, có vật nhọn đâm vào ngực trái. Tính mạng bệnh nhân đang nguy kịch, các bác sĩ cấp cứu phát lệnh báo động đỏ đưa vào phòng mổ khẩn cấp.
Kíp bác sĩ Ngoại tổng hợp và Ngoại lồng ngực mạch máu nhanh chóng phối hợp vào cuộc. Mở ổ bụng bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện có 800 ml máu loãng, bị thủng tim, rách mỏm tim, thủng cơ hoành, thủng xuyên gan trái. Kíp mổ vừa cầm máu ổn định vừa khâu các vị trí tổn thương, dẫn lưu ổ bụng cho bệnh nhân.
Sau hơn 3 giờ căng thẳng giành sự sống, ca mổ kết thúc thành công. Bệnh nhân được truyền 3 đơn vị máu. Các vị trí tổn thương nằm sâu bên trong, phẫu trường nhỏ khiến kíp mổ phải thận trọng phối hợp nhịp nhàng. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục đánh giá tình trạng chảy máu, thiếu máu. Đặc biệt bệnh nhân mất máu nhiều sẽ có nguy cơ rối loạn đông máu nên phải theo dõi kỹ.
Theo bác sĩ Khương, trường hợp này nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân tụt huyết lâu quá sẽ ngưng tim. Lúc vào viện bệnh nhân đã lơ mơ, chứng tỏ máu tưới cho não bắt đầu kém, nếu xử lý vết thương muộn sẽ thiếu oxy não, dẫn đến chết não. Khi đó mổ khẩn có thể cứu tim, giữ được mạng sống bệnh nhân nhưng não sẽ bị tổn thương.
Tiến sĩ Đỗ Quốc Huy, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết bệnh viện đã áp dụng quy trình báo động đỏ hơn 3 năm, cùng với hàng loạt quy trình của hoạt động phản ứng nhanh trong cấp cứu người bệnh có nguy cơ cao tử vong. Quy trình này đã giúp cứu sống thành công nhiều trường hợp nguy kịch như vết thương tim, vết thương mạch máu lớn, đa chấn thương có vỡ gan, vỡ lách, hay xuất huyết nội ồ ạt do u nang buồng trứng vỡ, thai ngoài tử cung vỡ…
Trong những ca cấp cứu, tính mạng bệnh nhân được tính bằng từng phút, từng giây. Các bác sĩ phải nỗ lực chạy đua với thời gian để đảm bảo tất cả đều được xử lý ở mức nhanh và chính xác nhất có thể. Riêng những trường hợp báo động đỏ thì có sự ưu tiên tuyệt đối. Báo động đỏ cho phép bác sĩ bỏ qua các giai đoạn khác mà chuyển thẳng bệnh nhân từ phòng cấp cứu lên phòng mổ. Trong thời gian cực ngắn, phải huy động tốc lực các khoa phòng, tập trung phương tiện cần thiết, chỉ cần bệnh nhân được đẩy lên phòng mổ là tất cả đã sẵn sàng.
"Quy trình đòi hỏi từ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đến nhân viên vận chuyển phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tác phong khẩn trương nhất và kỹ năng phối hợp nhuần nhuyễn mới có thể giữ lại được mạng sống cho người bệnh", bác sĩ Huy phân tích.
Nguồn Suckhoe.vnexpress.net