ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học BV. Bình Dân cho biết, cũng như mọi người, những người trong cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới) luôn có nhu cầu thăm khám sức khỏe, thậm chí nhu cầu còn cao hơn đối với những trường hợp đã phẫu thuật chuyển giới, thế nhưng tâm lý bị phân biệt đối xử và tâm lý ngại ngùng đã khiến họ ngại khi đi khám chữa bệnh.
Ths.BS Mai Bá Tiến Dũng trò chuyện cùng các bạn chuyển giới bên lề buổi hội thảo chăm sóc sức khỏe người đồng tính tổ chức tại TP.HCM cuối năm 2017.
Sự ra đời của dịch vụ chăm sóc sức khỏe người đồng tính của khoa Nam học, BV. Bình Dân với tinh thần thấu hiểu, chia sẻ, không kỳ thị, chính vì thế sẽ là một địa điểm đáng tin cậy về chuyên môn trong việc chăm sóc sức khỏe cho người đồng tính.
Mở cửa chiều thứ sáu hàng tuần tại lầu 6 Khu Kỹ thuật cao của bệnh viện, tại đây, những điều “thầm kín” khó nói, những bệnh lý lây nhiễm qua tình dục, những trục trặc sau phẫu thuật chuyển giới ở nước ngoài sẽ được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng gần 27% người có nhu cầu chuyển giới từng ra nước ngoài để được sử dụng dịch vụ này, chủ yếu là tới các bệnh viện tại Thái Lan, 22,4% tìm kiếm dịch vụ tư vấn và khám trước sử dụng hormone tại cơ sở y tế tư nhân trong nước và chỉ có 13,4% đến các bệnh viện công để tư vấn.
Còn theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm hơn 50%, trong đó, nam giới chiếm 66% và 5,2% là đồng tính nam. Quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM) nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 19 lần và nữ chuyển giới nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 49 lần. Những con số đã chỉ ra những tiềm ẩn về lây lan HIV trong nhóm đồng giới nếu không có biện pháp phòng, chống HIV đúng, an toàn...
Theo SKĐS