Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Bệnh viện đề xuất được quyền xây dựng giá dịch vụ y tế để tự chủ

tuchutaichinhbvnttw
 
Tự chủ tài chính giúp Bệnh viện Nội tiết Trung ương đầu tư nhiều trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
 
Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính giúp bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương với phóng viên TBTCVN.
* PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được trong thực hiện tự chủ tài chính của Bệnh viện Nội tiết Trung ương thời gian qua? 

- PGS.TS Trần Ngọc Lương: Với ưu thế là bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế chuyên ngành lĩnh vực nội tiết và các rối loạn chuyển hóa, sau 10 năm thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP (Nghị định 43) cho thấy, việc mở rộng trao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần tạo điều kiện giúp Bệnh viện Nội tiết Trung ương nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ công; tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội lựa chọn, tiếp cận các dịch vụ công với chất lượng ngày càng cao.

 Nếu như trước kia những vấn đề về chỉ tiêu, kế hoạch, tổ chức bộ máy biên chế đều dựa vào việc “trên có ý kiến chỉ đạo” mới làm thì nay bệnh viện đã tự xây dựng kế hoạch, tự làm chi tiêu và tự chịu trách nhiệm. 

Bệnh viện đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để tăng cường công tác quản lý trong bệnh viện. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp, khai thác nguồn thu, tăng thu, tiết kiệm chi, do vậy đã tiết kiệm chi thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp, đời sống bác sỹ, người lao động tại bệnh viện được nâng lên. 

luong
 
PGS.TS Trần Ngọc Lương
 

* PV: Trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính, bệnh viện có gặp vướng mắc, khó khăn gì không, thưa ông?

- PGS.TS Trần Ngọc Lương: Cũng giống như các bệnh viện theo cơ chế tự chủ khác, theo tôi Nghị định 43 về cơ chế quản lý ở cơ sở chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh để thực hiện. Khi bắt đầu bắt tay vào thực hiện quyền tự chủ theo Nghị định 43, Đảng uỷ và Ban Giám đốc bệnh viện cũng đã thống nhất nhận định thực sự đây là cuộc đấu tranh giữa cơ chế bao cấp và cơ chế thị trường; vì vậy cần phải xác định rõ vai trò của cấp ủy Đảng, của người đứng đầu đơn vị. Đây cũng là cuộc đấu tranh nội bộ (vì còn chế độ làm việc ngoài giờ của các thầy thuốc trong hệ thống công lập); là cuộc cạnh tranh giữa bệnh viện với các phòng khám tư; mô hình mới vẫn còn lúng túng về mô hình quản lý; chưa thực sự thay đổi được nhận thức của cán bộ viên chức; chưa tìm ra hình thức khoán phù hợp nhằm động viên, thúc đẩy cán bộ, đảm bảo đoàn kết cùng phát triển.

Bên cạnh đó các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, hoặc chưa sát với tình hình thực tế, điều này phần nào gây khó khăn cho bệnh viện khi thực hiện tự chủ về tài chính.  Nghị định 43 có từ năm 2006 nhưng đầu năm 2008 Bộ Nội vụ, Bộ Y tế mới có Thông tư số 02 hướng dẫn thực hiện tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức biên chế và hiện tại, bệnh viện vẫn chưa nhận được quyết định của Bộ Y tế cho phép thực hiện. Do vậy đây cũng là  một trong những khó khăn trong quá trình đổi mới ở cơ sở.

Ngoài ra, chế độ dịch vụ y tế hiện hành của Nhà nước vẫn chưa tính đầy đủ các yếu tố chi phí (trực tiếp và gián tiếp…), vì vậy khi thực hiện tự chủ hoàn toàn bệnh viện gặp nhiều khó khăn, cùng với đó chính sách tiền lương, chế độ cho người lao động không ngừng tăng theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, Nghị định 85/2012/NĐ-CP thực hiện theo lộ trình kéo dài, trong khi hiện nay bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong kinh phí hoạt động của mình.

Ngoài ra, tại khoa Dược của bệnh viện đang áp dụng giá thuốc theo 2 hình thức, cụ thể nhà thuốc bệnh viện được áp dụng thặng số (đồng nghĩa có kinh phí trả cho các hoạt động và nhân công), trong khi khoa phục vụ cho điều trị nội trú, Bộ Y tế lại không cho phép áp dụng thặng số (không có kinh phí chi trả cho các hoạt động và nhân công). Điều này gây khó khăn cho tổ chức hoạt động của khoa Dược bệnh viện trong khi bệnh viện thực hiện tự chủ hoàn toàn.

* PV: Từ thực tế của đơn vị, ông có kiến nghị, đề xuất gì để công tác tự chủ tài chính của bệnh viện được tốt hơn trong thời gian tới?

- PGS.TS Trần Ngọc Lương: Để thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đề xuất được tự chủ trong sử dụng kinh phí hoạt động của mình phù hợp với pháp luật. Hiện nay, việc mua sắm  phải báo cáo Bộ Y tế phê duyệt, như mua sắm thuốc, vật tư, trong khi hoạt động của bệnh viện diễn ra hàng ngày. Luật đã có, chúng ta nên ủy quyền cho bệnh viện toàn bộ, để chủ động quá trình mua sắm.

Bên cạnh đó, bệnh viện còn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư chung. Số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng tăng, tuy nhiên cơ sở vật chất còn hạn chế về máy móc trang thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng còn chật chội.

Do số lượng bệnh nhân tăng nên các khoản chi thường xuyên đảm bảo hoạt động của bệnh viện cũng sẽ tăng theo, trong khi mức thu dịch vụ y tế theo quy định chưa tính đầy đủ các chi phí liên quan và chưa phù hợp với tình hình biến động giá cả chung của xã hội. Do vậy, bệnh viện xin đề xuất được quyền xây dựng giá dịch vụ y tế phù hợp với luật pháp để chất lượng khám chữa bệnh y tế được tăng lên. 

* PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image