Nhiệt độ tăng, bệnh nhân nhập viện tăng
TS Nguyễn Đình Cường, Chuyên viên tư vấn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết, nhiệt độ có mối liên quan đến việc tăng số người nhập viện. Theo thống kê, bệnh nhân nhập viện do bệnh tim mạch ở TPHCM tăng 12,9% trong những ngày có sóng nhiệt. Tại Thái Nguyên, cứ giảm 1 độ C thì số bệnh nhân tim mạch nhập viện tăng 1,12 lần. Tại đồng bằng sông Cửu Long nhiệt độ tăng 1độ C sẽ làm tăng 3,4% số trẻ nhỏ nhập viện với các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp. Nghiên cứu tại Vinh (Nghệ An) cho thấy, từ tháng 6 đến tháng 9 (thời gian nóng nhất) tỷ lệ trẻ nhập viện tăng 1,56 lần so với thời gian từ tháng 2 đến tháng 5. Tỷ lệ trẻ nhập viện do bệnh hô hấp tăng 1,64 lần.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận trên cơ thể chúng ta
Bệnh tiêu chảy cũng bị ảnh hưởng rất lớn khi thời tiết thay đổi. Tăng 1 độ C trong 2-4 tuần ở ĐBSCL sẽ tăng 1,5% ca tiêu chảy. Mực nước sông tăng 1cm kéo theo số ca tiêu chảy tăng. Nghiên cứu cho thấy, sốt xuất huyết là bệnh chịu tác động mạnh nhất của thời tiết. Các chuyên gia cũng chỉ ra, bệnh sốt xuất huyết có mối liên quan đến độ ẩm tương đối tại khu vực bị ảnh hưởng do nước biển dâng, đến lượng mưa, số ngày mưa, số giờ nắng.
PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, khảo sát “Sóng nhiệt và nguy cơ nhập viện nghiên cứu tại một số tỉnh tại Việt Nam” do bà cùng đồng nghiệp thực hiện cho thấy, sóng nhiệt gây tăng 3,8% nguy cơ nhập viện do các bệnh nhiễm trùng. Nguy cơ tăng nhập viện do sóng nhiệt ở miền Bắc cao hơn miền Nam.
Nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh trở lại
Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, một số loại bệnh nhiệt đới đã biến mất ở nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn đang phát triển mạnh tại Việt Nam như lao, sốt xuất huyết, sốt rét. Biến đổi khí hậu và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế. Nhiều nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần đã cảnh báo rằng một trong những hệ quả quan trọng của biến đổi khí hậu là ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần. Các triệu chứng này sẽ được cảm nhận nhiều nhất bởi những người có sẵn biểu hiện bệnh tâm thần, đó cũng là khả năng gia tăng gánh nặng chung về chứng rối loạn tâm thần trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Trong hơn 10 năm qua, diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền tăng dần qua các năm. Thống kê cho thấy, hàng năm Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm với hàng nghìn trường hợp tử vong.
Thái Hà/Tiền phong