Khảo sát thực tế tại một số hộ dân tại phường Tam Phước, Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác phát hiện vẫn còn tình trạng nhà dân còn có các vật dụng chứa nước có tồn tại lăng quăng. Cụ thể, một bát cắm hương đã bị phát hiện đọng nước và chứa nhiều lăng quăng. Môi trường cũng có nhiều muỗi đã trưởng thành.
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra các vật chứa nước tại hộ gia đình ở phường Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai
Theo ông Võ Cao Cường, chủ tịch phường, Tam Phước là một phường có nhiều khu công nghiệp đang phát triển với 7 khu phố và tổng dân số hơn 54 nghìn người. Địa bàn có nhiều khu nhà trọ với điều kiện nhà ở chật hẹp, vệ sinh môi trường kém nên dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết.
Không có trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, tuy nhiên trong thời gian qua, phường ghi nhận và xử lý 38 ổ dịch. Đây là một trong 4 điểm nóng sốt xuất huyết của tỉnh Đồng Nai. Khó khăn lớn nhất vẫn là ý thức của người dân, đặc biệt là những trại thu mua ve chai đồng nát, ý thức diệt lăng quăng vẫn còn kém.
BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh có 10/11 huyện có bệnh sốt xuất huyết, điểm nóng là Biên Hoà, Trảng Bom, Nhơn Trạch. Chiều hướng của dịch chưa giảm dù đã tích cực triển khai phòng chống dịch bệnh.
Trong tháng 8/2019, địa bàn tỉnh ghi nhận 11.617 ca mắc sốt xuất huyết, 2,65 lần so với cùng kỳ năm 2018, đã có 2 ca tử vong. Phân tích nguyên nhân, Sở Y tế tỉnh cho rằng, hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng đến hộ gia đình chưa cao, sự thay đổi ý thức hành vi của người dân còn hạn chế. Trong khi đó mùa mưa đang thuận lợi cho việc muỗi phát triển. Dự báo sốt xuất huyết sẽ ở mức cao trong tháng 9 và tháng 10. Trước mắt, Sở sẽ nâng cao ý thức chính quyền các cấp, nhất là cấp xã trong việc diệt lăng quăng; đẩy mạnh truyền thông; tăng cường kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh, cơ quan, trường học; giám sát việc phun hoá chất diện rộng.
Tại buổi làm việc tại UBND tỉnh Đồng Nai, PGS.TSTrần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, tại phía Nam, Đồng Nai và Bình Dương là hai địa phương năm nào cũng có tình trạng sốt xuất huyết phức tạp do có nhiều khu công nghiệp và nhiều bãi đất trống là nơi muỗi có thể sinh sôi. Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, chính quyền và địa phương cần thực hiện tốt thì ngành y tế mới có thể làm tốt việc chống dịch. “Việc cần làm đầu tiên là phải diệt lăng quăng, muốn làm được phải có những đội xung kích, thậm chí phải có công an, cùng đi đến tận hộ dân để yêu cầu người dân và các công trình xí nghiệp loại bỏ hoàn toàn lăng quăng”.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhắc nhở tuyên truyền nâng cao ý thức diệt lăng quăng của người dân là vấn đề nên làm ngay. “Cần phải khắc phục tình trạng người dân tạo nên ổ nuôi lăng quăng từ các vật dụng. Những trường hợp vi phạm cần phải xử phạt”.
Bộ trưởng cũng nhắc nhở cần phải chú ý đến việc truyền thông, tránh truyền thông lạc đường. "Việc xử lý ổ dịch nhỏ chưa rõ ràng các bước. Các địa phương cần xây dựng rõ các bước xử lý ổ dịch. Phun thuốc như thế nào, thuốc gì, phun bao lần, giám sát sau phun ra sao... Cần loại bỏ những việc làm mang tính hình thức mà phải lập tức hành động. Trước mắt phải lật úp tất cả các vật chứa nước, sau đó phun hoá chất. Nên yêu cầu các hộ gia đình, hộ kinh doanh cam kết không để các vật chứa có nước không có lăng quăng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, hệ thống bệnh viện cần xử trí lọc bệnh kỹ càng, không thể để nằm cùng các bệnh nhân sốt xuất huyết nằm cùng phòng với bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để bệnh nhân bị lây chéo.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn