Từ ngày 23-26/9/2019, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp toàn thể cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân tại New York (Mỹ), đồng thời thăm và làm việc tại Đại học Harvard.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dự phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Liên Hợp Quốc - New York.
Cùng xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn
Ngày 23/9/2019, tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến dự phiên họp toàn thể Cuộc họp Đại hội đồng LHQ về bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân (UHC). Với chủ đề "Cùng xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn", Hội nghị đã thu hút sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như nhiều lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực y tế của các nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu tại Hội nghị, trong đó nêu rõ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân, đảm bảo để người dân được thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Hệ thống y tế cơ sở được thiết lập từ Trung ương đến địa phương với hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, cán bộ y học cổ truyền và hoạt động dựa trên nguyên lý y học gia đình.
Theo báo cáo giám sát tình hình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2017 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 73/100 điểm, có thể coi là khá cao so với mức chung trong vùng Đông Nam Á là 59/100 và toàn cầu là 64/100. Chương trình bảo hiểm y tế hiện đạt 90% dân số tham gia bảo hiểm và chính phủ trợ cấp 100% phí bảo hiểm y tế cho những đối tượng dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh khó khăn và trợ cấp 70% cho người nghèo..
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của quy trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải tổ ngành Y tế Việt Nam nhằm củng cố hiệu quả của hệ thống y tế, nhất là cải thiện khả năng chuyên môn của hệ thống y tế cơ sở để có thể chăm sóc sức khỏe cho cả người ốm và người khỏe mạnh. Tuy nhiên hiện nay khó khăn lớn nhất đối với ngành Y tế Việt Nam là tìm ra cơ chế tài chính phù hợp đối với công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân ở tuyến cơ sở, bởi hiện các nguồn lực vẫn tập trung vào các dịch vụ chữa bệnh là chủ yếu trong khi ngân sách dành cho các dịch vụ y tế cơ sở và y tế phòng ngừa còn rất hạn chế.
Việt Nam phấn đấu để mọi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế
Bên lề cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu từ Diễn đàn kinh thế thế giới và Đại học Harvard đồng tổ chức cuộc họp về đầu tư và kết hợp công tư trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu nhằm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2030,
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam đã đạt những thành quả ấn tượng về sức khỏe cho người dân. Việt Nam hoàn thành gần như tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đang trên con đường tiến tới đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Chính phủ Việt Nam ưu tiên và đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giúp Việt Nam đạt được các thành tựu phát triển kinh tế xã hội đáng kể, đưa Việt Nam lên thành nước có thu nhập trung bình thấp.
Hiện Việt Nam đã áp dụng hầu hết các kỹ thuật y tế hiện đại nhất hiện nay, các phác đồ mới phù hợp cho chữa lao, lao kháng thuốc với cách tiếp cận rất sáng tạo. Chiến lược 2X (Xquang cho sàng lọc và Xpert cho khẳng định chẩn đoán) đã có lộ trình triển khai và kế hoạch chuyển đổi sử dụng toàn bộ kỹ thuật sinh học phân tử như Xpert thay thế cho kính hiển vi đã nằm trong kế hoạch của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nghiên cứu của Việt Nam cho thấy, trong thời gian 4 năm, việc phát hiện chủ động bằng Xpert có thể làm giảm bệnh lao đến 46% so với cách làm thường quy hiện nay. Từ kết quả nghiên cứu, Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai chiến lược "2X" (Xquang -Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay. Kết quả này đã truyền cảm hứng cho cộng đồng chống lao toàn thế giới. Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết trước cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam năm 2030.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Y tế Đan Mạch và Bộ trưởng Y tế Ireland về hợp tác y tế song phương.
Từ ngày 25-26/9/2019, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Đại học Harvard, Mỹ. Hai bên sẽ bàn thảo về các hoạt động hợp tác giữa ĐH Havard và Bộ Y tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật về tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu, vấn đề tài chính trong chăm sóc sức khoẻ, những mô hình và kinh nghiệm phát triển chăm sóc sức khoẻ và các vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.
Nguồn: http://giadinh.net.vn