Ngày 23/1/2019, tại Bộ Y tế đã diễn Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thảo luận kế hoạch triển khai Quy chế.
Đây là hoạt động nhằm tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế.
Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, bạo hành taị nơi làm việc có thể xảy ra ở tất cả các ngành nghề, y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành nơi làm việc.
Một vụ bạo hành nhân viên y tế ngay tại Khoa Khám bệnh
PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin thêm, có các nhóm yếu tố liên quan đến tình trạng bạo hành tại bệnh viện như: từ phía người bệnh (người nghiện rượu, ma túy, rối loạn tâm thần...); từ phía người cung cấp dịch vụ y tế (liên quan đến vấn đề về kinh nghiệm chuyên môn, cách ứng xử, thái độ với người bệnh/người nhà bệnh nhân...); từ phía tổ chức khám chữa bệnh (công việc quá tải, áp lực công việc từ các khoa cấp cứu, bầu không khí và môi trường làm việc...); từ cộng đồng xung quanh và từ yếu tố môi trường xã hội...
Trên thực tế trong thời gian qua, dư luận cả nước nhất là các cán bộ nhân viên ngành Y tế rất bức xúc trước vấn đề tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là ở một số bệnh viện lớn xuất hiện tình trạng bất ổn về an ninh, trật tự. Nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân, thậm chí là người bệnh đã đe dọa, hành hung cán bộ y tế ngay tại nơi khám, cấp cứu. Có không ít trường hợp nhân viên y tế đã phải nhập viện điều trị vì bị người bệnh/ người nhà bệnh nhân bạo hành...
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, từ năm 2010 đến hết 2017, cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến TW chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%).
Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. Riêng năm 2018, đã xảy ra 3 sự việc nghiêm trọng bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung, mới nhất là sự kiện BS Vũ Hồng Chiến ở BVĐK Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhi đánh vào mặt khi đang hướng dẫn, giải thích quy trình...
Tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ thường xuyên có công an tuần tra, kiểm soát an ninh
Trước thực trạng trên, để thắt chặt sự phối hợp giữa hai ngành y tế- công an trong đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện, Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thảo luận và ký Quy chế phối hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (thứ 5 hàng sau) chứng kiến lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội
Theo đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động phối hợp với cơ quan Công an thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; hướng dẫn cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bản Quy chế phối hợp cũng nêu rõ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe và danh dự của nhân viên y tế; chủ động thông báo cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), Công an cấp xã (xã, phường, thị trấn, đồn công an) và chính quyền địa phương tình hình an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xác định nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm. Qua đó làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật đạt hiệu quả.
Khi xảy ra vụ, việc có tính chất khẩn cấp, phức tạp về an ninh, trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ ... đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh thì chủ động giải quyết ban đầu các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự; đồng thời thông báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh qua số điện thoại khẩn cấp 113 và số điện thoại đường dây nóng của Công an địa phương để được ngăn chặn, giải quyết kịp thời….
Về phía Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Quy chế phối hợp nêu rõ Cục có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý và giải quyết ban đầu các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự báo đến số điện thoại khẩn cấp 113 và số điện thoại đường dây nóng của Công an địa phương.
Bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên bảo đảm an ninh, trật tự; tăng cường cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc Trung ương, các tỉnh, thành phố và quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh…
Theo SKĐS