Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

BV Bưu điện: Hạ bậc lương của 3 nhân viên sau khi bị phản ánh về thái độ phục vụ

Sau khi bệnh nhân Đàm Thị Chính phản ánh về thái độ phục vụ của bác sĩ và điều dưỡng kíp trực tối 3/3/2017, Bệnh viện Bưu điện đã xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương tháng 3/2017 của 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn bất bình về kết quả xử lý kỷ luật này.

Ngày 24/4/2017, báo Bưu điện Việt Nam đã nhận được đơn khiếu nại của bà Đàm Thị Chính, cán bộ hưu trí từng công tác tại Tập đoàn VNPT về thái độ phục vụ của bác sĩ và điều dưỡng kíp trực tối 3/3/2017, đồng thời bà Chính phản ứng về kết quả xử lý sai phạm của Bệnh viện Bưu điện đối với thiếu sót của bác sĩ và 2 điều dưỡng sau khi bà Chính khiếu nại.

Bệnh viện Bưu điện khẳng định không bao che cho nhân viên

Sau khi xem xét đơn khiếu nại của bà Chính, ngày 27/4/2017, báo Bưu điện Việt Nam đã chuyển đơn của bà Chính tới Giám đốc Bệnh viện Bưu điện để kiểm tra nội dung khiếu nại và phản hồi để Báo Bưu điện có căn cứ trả lời bạn đọc. Đến ngày 2/6/2017, Bệnh viện Bưu điện đã chính thức có công văn phản hồi về đơn khiếu nại của bệnh nhân Đàm Thị Chính.

Trong đó, Giám đốc Bệnh viện Bưu điện cho biết, Hội đồng kỷ luật của Bệnh viện đã họp xem xét sự việc từ ngày 28/3/2017 và nhận thấy vi phạm của các cá nhân trong kíp trực là chưa làm tròn trách nhiệm trước yêu cầu của người bệnh, vi phạm lần đầu và chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hội đồng kỷ luật đã thống nhất xử lý kỷ luật 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng theo Quy chế của Bệnh viện Bưu điện. Theo đó, bác sĩ Đinh Hoài T bị xếp loại C tháng 3/2017, hai điều dưỡng là Nguyễn Thị H.C và Nguyễn Thị H.D xếp loại B trong tháng 3/2017. Hội đồng kỷ luật của Bệnh viện Bưu điện cũng họp nghiêm túc rút kinh nghiệm về những thiếu sót trong tinh thần thái độ đón tiếp bệnh nhân của kíp trực tối 3/3/2017.

Trong văn bản gửi báo Bưu điện Việt Nam, Bác sĩ Đỗ Văn Tráng, Giám đốc Bệnh viện Bưu điện cũng khẳng định, lãnh đạo Bệnh viện không bao che cho vi phạm của cán bộ, nhân viên trong khi thi hành nhiệm vụ mà đã nghiêm túc xem xét sự việc một cách khách quan để cán bộ, nhân viên có liên quan một cách đúng mực bằng những hình thức phù hợp với mức độ vi phạm, vừa đảm bảo tính nghiêm minh nhưng cũng đảm bảo yếu tố giáo dục trong xử lý cán bộ.

Bệnh viện cũng không tự ý sửa chữa hồ sơ điều trị của người bệnh (bệnh án) để chạy tội cho cán bộ nhân viên như phản ánh của người bệnh, lỗi thể hiện trên bản in máy tính do sơ ý của nhân viên hành chính đã được xem xét, khắc phục để tránh sự hiểu lầm của người bệnh.

 
 

Tập thể cán bộ nhân viên Bệnh viện Bưu điện vẫn luôn được quán triệt tinh thần ưu tiên phục vụ người bệnh một cách tốt nhất, đặc biệt là đối với cán bộ nhân viên thuộc VNPT. Bệnh viện không có sự phân biệt đối xử chuyên môn giữa bệnh nhân có thẻ BHYT hay bệnh nhân dịch vụ nên có những nội dung bệnh nhân Đàm Thị Chính cho là “nhạy cảm” tại bệnh viện là không có cơ sở.

Bệnh nhân vẫn bất bình về kết quả xử lý kỷ luật của Bệnh viện

Trong đơn gửi tới báo Bưu điện Việt Nam vào ngày 24/4/2017, bà Đàm Thị Chính cho biết, 20h ngày 2/3/2017 bà vào cấp cứu tại A9 Bệnh viện Bạch Mai vì bị huyết áp cao, đến 2h sáng ngày 3/3/2017 Bệnh viện Bạch Mai chuyển bà về Bệnh viện Bưu điện điều trị tiếp để theo dõi đột quỵ. Đến 19h tối ngày 3/3 bà ra ngoài ăn tối thì thấy mệt, run chân tay nên phải quay lại khoa và nhờ 2 cô điều dưỡng trực hôm đó báo bác sĩ trực và bà được bảo đi về phòng.

Chờ 30 phút sau thấy mệt nhiều, vã mồ hôi, tim đập nhanh bà cố đi sang phòng trực báo thì điều dưỡng tỏ vẻ khó chịu và sang đo huyết áp (150/90). Khi bà đề nghị được truyền vì bị hạ đường huyết do 1 tuần bà không ăn uống được vì phải đi cấp cứu, thì được điều dưỡng trả lời: “Bác sĩ bảo huyết áp cao không được truyền được…” rồi bỏ về phòng trực. Sau khi bà rơi vào tình trạng người lạnh, vã mồ hôi không ngồi lên được chân tay mềm nhũn, bệnh nhân cùng phòng đã báo giúp bà thêm 3 lần nữa trong vòng 2 tiếng từ 19h đến 21h nhưng không có nhân viên y tế đến hỗ trợ. Sau đó, bà phải nhờ bệnh nhân gọi cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Thụ (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn đã nghỉ hưu nhà gần Bệnh viện Bưu điện) sang giúp bà về lại Bệnh viện Bạch Mai. Khi ông Thụ sang đi phòng trực hỏi tại sao không cấp cứu thì lúc đó điều dưỡng mới chạy đi gọi bác sĩ trực. Như vậy sau 6 lần báo tin, bà mới được bác sĩ trực đến khám.

Sau khi sự việc xảy ra bà Chính đã gọi điện đến đường dây nóng để phản ánh lên Giám đốc Bệnh viện Bưu điện, đồng thời yêu cầu Bệnh viện chuyển BHYT của bà sang bệnh viện khác. Đến ngày 17/4/2017, Bệnh viện Bưu điện đã mời bà đến để trao BHYT về Bệnh viện Xây dựng theo yêu cầu của bà và thông báo hình thức kỷ luật của bệnh viện. Tuy nhiên bà Chính bất bình vì được biết, bệnh viện chỉ phạt chất lượng tháng 3 của bác sỹ trực xuống loại C, điều dưỡng xuống loại B. Sau đó, bà đã viết đơn phản ánh tới Báo Bưu điện Việt Nam phản ánh vụ việc.

Giải thích về việc bác sĩ chậm đến khám theo đơn thư của bà Chính, Bệnh viện Bưu điện cho biết, sau khi bệnh nhân Chính kêu mệt, yêu cầu được truyền dịch, điều dưỡng đã báo bác sĩ trực qua điện thoại, bác sĩ trực đang khám cho bệnh nhân cấp cứu khác ở phòng cấp cứu nên đã yêu cầu điều dưỡng tiếp tục đo các thông số chức năng sống. Bác sĩ đã cho y lệnh uống 2 viên thuốc tăng tuần hoàn não Nootropyl 400mg và không đồng ý truyền dịch vì chưa có chỉ định.

Đến 21h25 bệnh nhân kêu khó chịu nhiều, khóc lóc và không hợp tác với nhân viên y tế, bác sĩ trực đến khám, đo huyết áp, làm đường mao mạch. Bác sĩ trực đã động viên, an ủi nhưng bệnh nhân không chấp nhận, đề nghị được chuyển bệnh viện. Bệnh nhân Chính sau đó đã được các bác sĩ trực, điều dưỡng phối hợp với khoa Hồi sức cấp cứu an ủi, động viên, theo dõi. Bệnh nhân đã đỡ và được ra viện vào ngày 6/3/2017 để về điều trị theo đơn.

Đình Anh/Ictnews

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image