Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Cảnh báo hiện tượng trẻ hóa bệnh nhân mắc bệnh tim mạch

Lối sống không lành mạnh, sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá, lười tập thể dục, béo phì… là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng trẻ hóa bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hiện nay.

Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc phỏng vấn ngắn với GS, TS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) về hiện tượng trẻ hóa bệnh nhân mắc bệnh tim mạch bên lề hội thảo quốc tế về dự phòng, quản lý tăng huyết áp và tim mạch.

Thưa GS, TS Đỗ Doãn Lợi, ông cho biết về thực trạng bệnh lý tim mạch ở Việt Nam trong những năm gần đây?

Số bệnh nhân mắc tim mạch đang tăng lên khủng khiếp, mô hình bệnh tật thay đổi nhiều và nguy cơ tử vong do tim mạch rất cao. Chúng ta sợ ung thư, tai nạn giao thông nhưng ung thư chỉ chiếm 18%, trong khi tim mạch chiếm 33% tử vong. Hiện nay, cứ 100 người chết thì 33 người chết do tim mạch. Gần 200.000 người chết do tim mạch/năm.

Tại Viện chúng tôi, số bệnh nhân đến khám khoảng 700-800 người/ngày, một năm là hơn 100 nghìn lượt người đến khám. Trong đó, tỷ lệ phải vào nội trú là khoảng 8-10%. Hiện nay, Viện Tim mạch đang có 450 giường bệnh và số lượng bệnh nhân dao động 450-500/ngày nằm nội trú.

Thời gian qua, số bệnh nhân bị bệnh nặng như nhồi máu cơ tim, bệnh phình vỡ động mạch chủ tăng lên đáng kể. Nhiều bệnh nhân suy tim do tăng huyết áp, do các yếu tố nguy cơ gây ra tim mạch (đái tháo đường, chế độ ăn không hợp lý, rối loạn mỡ máu, rối loạn lypit máu, ít vận động thể lực, thuốc lá, stress…) làm tăng huyết áp. Tăng huyết áp vừa là bệnh lý, vừa là yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch.

Thưa GS, TS Đỗ Doãn Lợi, hiện tượng trẻ hóa bệnh tim mạch ở Việt Nam đã được nhắc tới nhiều lần. Hiện nay, bệnh nhân trẻ mắc bệnh tim có phải là mối lo ngại với sức khỏe cộng đồng không?

Độ tuổi mắc tim mạch thường ở 50 đến 90 tuổi, nhưng hiện nay có rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi sung sức 30-35 cũng mắc các bệnh lý về huyết áp, tim mạch và thậm chí là không ít trong số đó tử vong do nhồi máu cơ tim. So với nữ giới, nam giới ở độ tuổi lao động mắc bệnh huyết áp, tim mạch chiếm số lượng áp đảo. Đó là do thói quen, lối sống sử dụng thuốc lá, bia rượu, stress dẫn tới béo phì, tăng huyết áp. Tôi nghĩ, đây là việc chúng ta cần phải cảnh báo giới trẻ để các bạn ấy có một lối sống lành mạnh hơn, phòng được các bệnh tim mạch, huyết áp.

Bệnh lý nào của tim mạch đang là nguy cơ gây ra tử vong cao nhất, thưa ông?

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm nhất và tỷ lệ tử vong cao nhất. Tiếp đó là bệnh lý biến chứng mạch máu do mỡ đóng trong thành mạch máu. Tuy nhiên, bệnh lý này chủ yếu diễn ra ở những người cao tuổi. Khi thành mạch lão hóa, mỡ đóng trong thành mạch gây ra xơ vữa, lúc huyết áp lên cao, quả tim sẽ hoạt động như cái bơm - bơm máu vào mạch máu với áp lực cao làm mạch máu giãn dần và vỡ.

Hiện nay, Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) đã triển khai được những kỹ thuật hiện đại nào giúp chẩn đoán và chữa trị cho người bệnh mắc bệnh tim mạch?

Viện Tim mạch là Viện đầu ngành trong lĩnh vực này, nên hiện nay chúng tôi đã áp dụng được tất cả kỹ thuật cao nhất về chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch đang triển khai trên thế giới.

Ví dụ như các kỹ thuật cao nhất về xử lý tắc động mạch vành, nhồi máu cơ tim, nong động mạch vành, đặt stent động mạch vành, khoan phá mảng xơ vữa, siêu âm trong lòng mạch đánh giá tổn thương mạch để nong và đặt stent cho đúng. Ngoài ra, khi thành mạch bị vôi hóa nhiều, chúng tôi có kỹ thuật khoan phá các mảng xơ vữa. Chúng tôi cũng đã thực hiện các kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh, chữa các loại rối loạn nhịp tim bằng tim mạch can thiệp với ống thông, điện cực, chữa bệnh phình động mạch chủ mà từ trước tới nay phải mổ hoặc không làm gì được. Viện cũng đã ứng dụng tế bào gốc trong tim mạch, điều trị tăng huyết áp kháng trị bằng đốt thần kinh giao cảm ở động mạch thận mà hiện nay trên thế gới cũng mới bắt đầu; thay van động mạch chủ không cần mổ; thay van hai lá qua mổ nội soi...

Chúng tôi cũng đã rất nhiều kinh nghiệm trong những trường hợp mổ để làm cầu nối qua chỗ hẹp, điều trị các bệnh van tim ở những người lớn tuổi. Những người bệnh trọng và suy các chức năng có thể thay van bằng ống thông vào mạch máu và thay van.

Giáo sư có thông điệp gì chia sẻ với cộng đồng để mọi người nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh tim mạch, để mọi người phòng bệnh bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh, nhất là đối với giới trẻ hiện nay?

Tôi có thông điệp đầu tiên muốn chia sẻ là nguy cơ tử vong do tim mạch lớn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng chống nguy cơ đó. Chúng ta hạn chế được thuốc lá, rượu bia, hạn chế tình trạng béo phì, chăm tập thể dục… là có thể phòng chống nguy cơ. Vì thế, nếu chúng ta kiểm soát được yếu tố nguy cơ này, có thể giảm tới 70-80% bệnh tim mạch.

Một thông điệp nữa, tôi cũng muốn chia sẻ, nếu được chẩn đoán sớm, điều trị sớm, bệnh tim mạch hoàn toàn có thể kiểm soát và chữa được. Hiện nay, huyết áp cao, rối loạn mỡ máu đều có thuốc chữa được. Kể cả thiếu máu cơ tim nếu chữa sớm, chữa đúng sẽ dự phòng được nhồi máu cơ tim. Khi người bệnh nhồi máu cơ tim mà vào viện sớm, cũng chữa trị được.

Xin cảm ơn GS, TS Đỗ Doãn Lợi về những chia sẻ này!

Theo Nhân dân

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image