Đột quỵ là căn bệnh chết người, không loại trừ một ai, kể cả người giàu lẫn người nghèo. Cứ 6 người có 1 người có nguy cơ bị đột quỵ. Bệnh đến rất nhanh, nếu như không được cấp cứu kịp thời, người bệnh dễ nguy đến tính mạng.
Bệnh đến như núi lở
Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) vừa cấp cứu thành công cho 3 bệnh nhân bị đột quỵ bằng phương pháp điều trị hiện đại, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội).
Chăm sóc bệnh nhân hồi phục sau đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu
Một trong những bệnh nhân đó là ông Vũ Long B, 76 tuổi (trú tại xã Tú Nang, huyện Yên Châu, Sơn La, nhập viện trong tình trạng liệt nửa trái người, nói khó, tiểu tiện không tự chủ. Trước đó, người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp thường xuyên dùng thuốc tại nhà. Vào ngày 2.3 sau khi dùng thuốc khoảng 30 phút, bệnh nhân đột ngột bị liệt, người nhà vội vã đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não, kết quả cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ (nhồi máu não). Nhận thấy trường hợp này bị đột quỵ trong khoảng “thời gian vàng” (trước 4,5 giờ đầu) nên bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết. Sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Sau 24 giờ bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, bắt đầu nói rõ và nghe tốt, nửa người bên trái chỉ còn yếu nhẹ.
Bác sĩ Thanh Bình – Phó Giám đốc kiêm trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu), đồng thời cũng là người tham gia cấp cứu trực tiếp cho bệnh nhân cho hay, điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết là 1 phương pháp điều trị mới nhằm tái thiết lập dòng chảy mạch máu não. Bệnh nhân Vũ Long B, là một trong những trường hợp đầu tiên được áp dụng điều trị bằng phương pháp này tại bệnh viện.
Bác sĩ Bình chia sẻ, khi bị đột quỵ thời gian vàng đưa bệnh nhận đến cơ sở y tế cấp cứu là 4-5 giờ kể từ khi xảy ra đột quỵ… Tuy nhiên, trước đây khi bệnh viện chưa điều trị được thì bệnh nhân đột quỵ phải chuyển về Hà Nội. Khi đó đã hết thời gian vàng, bệnh nhân đến bệnh viện muộn, bệnh nhân rất dễ tử vong hoặc bị các di chứng như liệt vận động, sống cuộc sống thực vật… Việc triển khai kỹ thuật sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đã đem đến hy vọng mới cho những bệnh nhân đột quỵ tại huyện Mộc Châu và những địa bàn lân cận.
Không bấm huyệt, châm cứu
Bs Bình khuyến cáo, khi thấy người bệnh xảy ra tình huống đột quỵ (nhồi máu não), người nhà cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt (trước 4-5 giờ dầu), để bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu kịp thời và chỉ định các biện pháp cấp cứu nhanh nhất tránh nguy cơ tử vong. Đồng thời giúp bệnh nhân được chăm sóc, phục hồi tốt nhất mà không để lại biến chứng.
Người nhà tuyệt đối không bấm huyệt, châm cứu, cạo gió cho người bệnh, bởi các hành động này có thể khiến tình trạng xuất huyết não, nhồi máu càng nặng hơn.
TS Vũ Đăng Lưu-Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Máu mang oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi não. Khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngừng hoạt động rồi chết đi trong vài giây đến vài phút. Ở các nước phát triển, đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây tử vong, sau bệnh tim mạch và ung thư. Tỷ lệ đột quỵ não được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng và sẽ đạt 1,2 triệu người mắc mới mỗi năm vào năm 2025 trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, cùng với mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, lối sống thay đổi theo hướng giảm vận động, tuổi thọ tăng thì nguy cơ xuất hiện các bệnh lý đột quỵ não, đặc biệt là nhồi máu não cũng gia tăng.
“Đột quỵ não bao gồm chảy máu não và nhồi máu não, trong đó nhồi máu não chiếm từ 80-85% các trường hợp. Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến nhất là những người có tiền sử bệnh lý tiểu đường, tim mạch, huyết áp, hay tăng cholesterol máu, hút thuốc lá”- TS Lưu cho biết.
TS Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, hiện nay có nhiều cách điều trị giúp bệnh nhân đột quỵ phục hồi tốt, ít để lại di chứng. Đối với đột quỵ thiếu máu não (do tắc mạch máu não), bệnh nhân có thể được xử trí cấp cứu như dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong 4,5 giờ đầu, nếu bệnh nhân có tắc các động mạch não lớn có thể lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học qua đường động mạch trong 6 giờ đầu. Do đó, người nhà khi thấy bệnh nhân bị đột quỵ thì cần phải đưa đến bệnh viện ngay.
Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ thường là đột ngột tê hay hiếu một bên cơ mặt, tay, chân, liệt nửa người, rối loạn thị giác một hoặc cả hai mắt, đi lại khó khăn, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội, nói khó. Khi bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được xử trí cấp cứu có thể giảm tỷ lệ tử vong cũng như tỷ lệ tàn phế.
Nguồn Danviet.vn