Theo GS. Nguyễn Gia Bình: Một trong những yếu tố quan trọng trong cấp cứu thảm họa là vấn đề cấp cứu trước bệnh viện, cần phải đến được hiện trường, tiếp cận nạn nhân càng sớm càng tốt. Hiện nay, Việt Nam đã chú ý tới hệ thống cấp cứu tại bệnh viện nhưng hệ thống cấp cứu trước bệnh viện hiện nay chưa được quan tâm. Lực lượng cấp cứu trước bệnh viện không chỉ là các y, bác sĩ mà gồm nhiều thành phần người từ: những người nhân viên, bảo vệ, cảnh sát, lính cứu hỏa, lái xe… được đào tạo những kỹ năng cấp cứu cơ bản.
Đó là nội dung được đưa ra tại “Hội nghị khoa học về Cấp cứu thảm họa, sự cố y khoa và bạo lực y tế” do Phân hội hồi sức cấp cứu và chống độc Hà Nội phối hợp cùng Hội hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 15 tháng 12 năm 2017 tại Hà Nội.
Hội nghị tập trung vào hai chuyên đề mang tính cấp bách hiện nay: Cấp cứu thảm họa; Sự cố y khoa và bạo lực y tế. Đây là hai vấn đề nóng, có ảnh hưởng sâu rộng và đang thu hút sự quan tâm không chỉ của ngành y tế, mà của toàn xã hội.
GS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức – cấp cứu và chống độc, hiện là Trưởng khoa Hồi sức Tích cực BV Bạch Mai
Phát biểu tại hội thảo, GS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức – cấp cứu và chống độc, hiện là Trưởng khoa Hồi sức Tích cực BV Bạch Mai cho biết: Trong những năm gần đây ở Việt Nam, thảm họa có chiều hướng gia tăng với mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, gây tác động lâu dài đến đời sống nhân dân khu vực có thảm họa và trên cả nước. Đó là những thảm họa do thiên nhiên gây ra như: bão, lụt, lũ quét, lở đất, địa chấn…, và những thảm họa do con người gây ra như: chiến tranh, tai nạn giao thông, tai nạn xây dựng, kiến trúc, ô nhiễm môi trường…, gây tổn thất lớn về con người và cơ sở vật chất.
Đối phó với thảm họa, dưới góc độ y tế đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Để làm tốt được điều đó, chúng ta cần có hệ thống đáp ứng cấp cứu thảm họa. Đó là một hệ thống phức hợp bao gồm cả trong và ngoài lĩnh vực y khoa như vận chuyển, giao thông liên lạc, cấp cứu, cứu hỏa, y tế công cộng, cứu hộ cứu nạn v.v
Theo GS. Nguyễn Gia Bình - Một trong những yếu tố quan trọng trong cấp cứu thảm họa là việc cấp cứu trước bệnh viện. Thảm họa xảy ra bất ngờ và ở bất cứ nơi đâu vì vậy không thể nào có đủ được lực lượng bác sĩ, điều dưỡng ngay lập tức ở tất cả mọi nơi xảy ra thảm họa. Tổ chức phân loại cấp cứu kịp thời ban đầu không tốn kém nhưng có thể cứu sống nhiều người tại chỗ cũng như phân loại chính xác vận chuyển các đơn vị về sau. Hiện nay, chúng ta đã chú ý tới hệ thống cấp cứu tại bệnh viện nhưng hệ thống cấp cứu trước bệnh viện hiện nay chưa được quan tâm.
GS. Nguyễn Gia Bình phân tích: Trên Thế giới, tất cả các nước phải đào tạo hệ thống cấp cứu trước bệnh viện. Lực lượng cấp cứu trước bệnh viện không chỉ là các y, bác sĩ mà gồm nhiều thành phần người từ: những người nhân viên, bảo vệ, cảnh sát, lính cứu hỏa, lái xe… được đào tạo những kỹ năng cấp cứu cơ bản trong một thời gian ngắn như: các kỹ năng cầm máu, phân loại kịp thời bệnh nhân giúp cứu sống nhiều người kịp thời.
“Nếu thực hiện được công tác đào tạo hệ thống cấp cứu trước bệnh viện sẽ cứu sống được nhiều người, tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc. Muốn làm được điều này cần có sự chung tay của các bộ, ngành khác như: Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ lao động thương binh xã hội, bộ nội vụ….. để khi Hội cấp cứu có đào tạo thì sẽ được pháp lý công nhận” – G.S. Nguyễn Gia Bình cho biết.
PGS.TS. Nguyễn Đức Chính trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn BV Hữu nghị Việt Đức đánh giá: Đội ngũ y bác sĩ Việt Nam cũng đã trải qua nhiều vụ cấp cứu thảm họa và ít nhiều có kinh nghiệm nhưng chưa đi vào tổ chức và quy củ. Cấp cứu thảm họa không chỉ là công việc của riêng ngành y tế mà cần có sự phối hợp của các ban ngành khác.
Cấp cứu thảm họa khác với cấp cứu thông thường bởi: Trong cấp cứu thảm họa, cần các nguồn lực. Nguồn lực quan trọng nhất là yếu tố con người và các trang thiết bị cấp cứu.. Nhiều y, bác sĩ làm rất tốt việc cấp cứu nạn nhân tại bệnh viện, cơ sở y tế nhưng khi cấp cứu thảm họa ngay tại ngoại cảnh thì chưa hẳn đã cho kết quả tốt. Bởi ngoài kỹ năng của y, bác sĩ, cần có sự hỗ trợ của các nhân tố khác để y bác sĩ tiếp cận được nạn nhân để tiến hành cấp cứu.
Muốn quá trình cấp cứu thảm họa có hiệu quả tốt, tránh được thương vong, cần có sự kết hợp của các bộ phận ban ngành như: cảnh sát địa phương, lính cứu hỏa phối hợp. Cấp cứu thảm họa rất cần có cơ sở đường xá, phương tiện giao thông tốt. Nếu giao thông tốt sẽ tiết kiệm được thời gian giúp nhân viên y tế tiếp cận được bệnh nhân sớm nhất.
“Vụ cấp cứu thảm họa Lai Châu là một ví dụ điển hình. Khi bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức và BV Bạch Mai tới địa bàn để cấp cứu thì đội ngũ bác sĩ ở địa phương đã thực hiện cấp cứu sơ bộ ban đầu. Tuy nhiên, nếu những cấp cứu này tốt hơn thì sẽ tránh được con số thương vong nhiều hơn” – PGS.TS. Nguyễn Đức Chính dẫn chứng cụ thể.
PGS.TS. Nguyễn Đức Chính cho hay: Khi được gọi đi cấp cứ, trên xe cấp cứu phải có những trang thiết bị tối thiểu, có một bác sĩ phẫu thuật, một bác sĩ gây mê hồi sức, một điều dưỡng. Bản thân người lái xe cũng cần có những kỹ năng nhất định hỗ trợ các y bác sĩ trong quá trình cấp cứu nạn nhân. Việc đầu tiên là lái xe phải tính toán sao để đi nhanh nhất mà vẫn an toàn tới chỗ nạn nhân. Khi tới hiện trường, người lái xe tham gia vào việc vận chuyển bệnh nhân….
Hội nghị có sự tham dự của hơn 250 khách mời là lãnh đạo Bộ Y tế, một số vụ, cục chức năng, Bộ Y tế các giáo sư, bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc tại các bệnh viện quân, dân y tại các tỉnh phía Bắc
Nguyên tắc tổ chức hệ thống cấp cứu trong thảm họa là điều trị theo tuyến: + Tuyến thứ nhất (điều trị bảo tồn sự sống): Do thảm họa xảy ra không được dự đoán trước, số lượng thương vong lớn, không có khả năng tiếp cận cấp cứu ngay, vì thế, giai đoạn này chủ yếu thực hiện bằng cách tự cứu hoặc cứu chữa lẫn nhau, nhưng nó quyết định khả năng và hiệu quả cứu chữa nạn nhân ở các giai đoạn tiếp theo.Nội dung cứu chữa chủ yếu gồm: - Đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, cấp cứu sơ bộ và phân loại kỳ đầu nạn nhân nhẹ, nạn nhân cấp cứu ngoại khoa, nạn nhân cần chuyển đi ngay - Hồi sinh tim phổi (CPR), băng bó, cầm máu, cố định gãy xương.Nhanh chóng chuyển nạn nhân về tuyến sau. + Tuyến thứ hai (điều trị cơ bản): Đưa các phân đội y tế cơ động tiếp cận khu vực thảm họa để thực hiện các biện pháp cứu chữa cơ bản theo chuyên khoa. Triển khai các trạm cấp cứu, bệnh viện dã chiến, tiến hành phân loại và tập trung nạn nhân nặng để tổ chức cấp cứu tối khẩn cấp (cầm máu, hồi sức hô hấp, tuần hoàn, cố định xương gãy, giảm đau) chống sốc, truyền máu, duy trì các chức năng sống và vận chuyển an toàn về tuyến sau. |