Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Cảnh báo nguy hiểm khi sử dụng thực phẩm chức năng thay ozesol

Ozesol là một loại dung dịch bù nước điện giải. Đây là một thành tựu khoa học của thế giới trong thế kỷ XX, đã cứu sống hàng triệu trẻ em bị mắc tiêu chảy. Người bệnh không nên sử dụng thực phẩm chức năng thay thế hoàn toàn ozesol mà bác sĩ đã kê đơn.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa Nhi của bệnh viện đã gặp trường hợp trẻ bị sốt cao, mắc tiêu chảy, mất nước, mặc dù đã được bác sĩ khám, kê đơn dung dịch bù nước điện giải (ozesol hoặc Hydrite…) và hướng dẫn cách pha chế cho trẻ uống, đồng thời theo dõi triệu chứng của trẻ. Tuy nhiên, khi mua thuốc tại các hiệu thuốc, chủ quầy thuốc đã tư vấn sử dụng  một loại “thực phẩm chức năng” cũng dạng dung dịch bù nước, đựng trong ống khoảng 10ml để cho trẻ uống thay ozesol.Câu chuyện bác sĩ kê đơn thuốc nhưng người bệnh không mua được thuốc đúng như đơn kê vẫn xảy ra hàng ngày. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân từ những tư vấn của người bán thuốc tại hàng nghìn hiệu thuốc hiện nay trên cả nước.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Bạch Mai. VGP/Thúy Hà

“Tôi giật mình khi bố mẹ của trẻ cho biết, ống thực phẩm chức năng đó chỉ có 10ml mà lại bán đắt hơn rất nhiều lần ozesol và nguy hiểm hơn là trẻ chỉ cần uống 1 ống 10ml đó thay vì phải uống 250ml nước pha với mỗi gói ozesol trong vòng 4 tiếng đồng hồ ”, PGS Dũng chia sẻ.

Khi trẻ bị tiêu chảy, tình trạng mất nước xảy ra, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe dọa tính mạng của trẻ. Oresol với thành phần là muối, đường… khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất, giúp trẻ phục hồi.

PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, ozesol là một loại thuốc, là thành tựu khoa học của thế giới đã cứu sống hàng triệu trẻ em mắc tiêu chảy. Trường hợp sử dụng thực phẩm chức năng thay thế ozesol rất nguy hiểm vì nó tác động ngay tới sức khỏe của trẻ do không được bù đủ nước.

“Khi bị bệnh, người bệnh phải được uống thuốc điều trị, không được thay thế thuốc bằng thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng điều trị bệnh như thuốc và không thay thế được thuốc”, PGS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Không chỉ ở bệnh viện Bạch Mai, mà tại bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã ghi nhận trường hợp tương tự.

Các chuyên gia y tế cho biết, với ống dung dịch bù nước được các chủ quầy thuốc giới thiệu thay thế ozesol hiện nay, có thể có các chất phụ gia như tạo màu, mùi vị cho trẻ dễ uống nhưng không được sản xuất theo tiêu chuẩn của thuốc thì không thể nào đạt tiêu chuẩn điều trị bệnh. Tuy nhiên, các thành phần ghi trên ống dung dịch này giống với thành phần các thuốc hoặc dung dịch bù nước điện giải thông thường khác nên khiến nhiều người lầm tưởng. Điều này rất nguy hiểm và rất cần các cơ quan quản lý vào cuộc.

Đối với người dân, các chuyên gia y tế khuyến cáo, hãy mua thuốc theo đúng đơn thuốc của bác sĩ, có thể lựa chọn các sản phẩm thay thế có thương hiệu; đọc kĩ hướng dẫn cách dùng, liều lượng... pha chế và dùng, khi đó sẽ đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho cơ thể người bệnh; chỉ sử dụng dung dịch đã pha trong 24h, bảo quản kĩ càng tránh nhiễm bẩn; không chia nhỏ gói thuốc hoặc bẻ đôi viên thuốc rồi pha vì rất có thể các thành phần không đồng nhất và dễ gây nhầm lẫn thể tích khi pha; không được đun sôi dung dịch đã pha vì khi đó sẽ làm mất các phẩm chất của thuốc, bay hơi làm tăng độ thẩm thấu; không pha với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ, nên pha với nước lọc đun sôi để nguội.

Thúy Hà/Báo Chính phủ

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image