Chuyến đi nằm trong khuôn khổ của Đề án “Nghiên cứu nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang” được ký kết giữa Bệnh viện Bạch Mai và Sở Khoa học công nghệ và Sở Y tế tỉnh Hà Giang. Ngày 10/6, thực địa nơi rốn lũ Hoàng Su Phì, Phó giáo sư Mai Duy Tôn càng thấm rõ tính chất thiết thực của Đề án, khi mà lũ, sạt lở đất chia cắt mọi ngả đường, người dân chỉ đi lại từ huyện này sang huyện khác đã là điều không tưởng thì làm sao có thể nghĩ đến việc đưa người bệnh về đến bệnh viện tuyến trung ương.
Như chúng ta đã biết: “Bệnh nhân đột quỵ não vốn phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian vàng, chỉ trong cửa sổ 4,5 giờ với điều trị thuốc tiêu huyết khối và 6 giờ đầu với điều trị lấy huyết khối”. Với địa hình hẻo lánh, xa xôi và trắc trở như Đồng Văn, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Quang Bình thì việc đưa người dân không may bị đột quỵ đến được BVĐK tỉnh Hà Giang trong giờ vàng đã muôn vàn khó khăn, lại cộng thêm thời tiết mưa lũ, sạt lở đất như những ngày này thì khó khăn lại càng trở nên trùng trùng, lớp lớp… Xuất phát từ thực tế đó và nỗi lòng đau đáu của người thầy thuốc với những người bệnh nơi địa đầu Tổ Quốc nên mục tiêu của Đề án tập trung vào việc xây dựng các Đơn vị Đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện, lựa chọn bác sỹ và điều dưỡng về học tập cầm tay chỉ việc 3 tháng tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. Sau 3 tháng đào tạo nghiêm túc, các học viên sẽ trải qua kỳ đánh giá và thi thực hành vô cùng gắt gao, nghiêm túc. Nếu đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế, học viên sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục “Chăm sóc người bệnh đột quỵ não và sử dụng thuốc tiêu huyết khối”.
Thầy Tôn cho biết: Đề án “Nghiên cứu nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang bắt đầu được triển khai từ tháng 10/2023. Sau 6 tháng triển khai, tháng 4/2024, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hà Giang, BVĐK tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo toàn tỉnh về: Cập nhật các kiến thức về đột quỵ não cho cán bộ y tế các bệnh viện trên toàn tỉnh Hà Giang. Chương trình đào tạo cũng đã hoàn thành bước đầu cấp chứng nhận cho 4 bác sỹ và 8 điều dưỡng của 4 bệnh viện tuyến huyện bao gồm: Bệnh viện huyện Đồng Văn, Bệnh viện Vị Xuyên, Bệnh viện huyện Hoàng Su Phì và Bệnh viện Quang Bình. Trong đợt hội thảo hồi tháng 4/2024, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ thành lập hai đơn vị đột quỵ não đầu tiên tại 2 bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Hà Giang là bệnh viện Đồng Văn, bệnh viện Vị Xuyên. Thầy Tôn cho biết: Đây là Đề án Nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện ở tỉnh miền núi đầu tiên trên cả nước. Dự án thành công sẽ giúp nhân rộng mô hình cho các tỉnh, khi mà việc vận chuyển, đi lại rất khó khăn đối với các huyện vùng xâu vùng xa...