52 học sinh bị ong đốt đã ra viện
Tối ngày 04/11/2015, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 52 học sinh của trường Tiểu học Yên Sở nhập viện do bị ong đốt. BS. Nguyễn Tiến Dũng, TT Chống độc BVBM cho biết: Trong bối cảnh khu điều trị Trung tâm Chống độc của bệnh viện chưa đủ rộng, cùng một lúc hơn 100 người (bao gồm 52 học sinh, phụ huynh đi kèm và cán bộ y tế địa phương) gây quá tải mặt bằng nên chúng tôi đã tư vấn chuyển sang khoa Nhi của bệnh viện để xử trí kịp thời.
Qua khai thác thông tin và xem xét xác ong thì có thể nhận định, đó là ong ruồi - thuộc nhóm ong mật nhưng nhỏ như con ruồi. Thông thường loài ong này khi đốt không gây độc tính mà có thể gây dị ứng và đau.
BS. Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi cho biết: Ngay sau khi nhận được tin, chúng tôi đã chỉ đạo bác sĩ trực liên hệ với Trực Lãnh đạo bệnh viện và Trung tâm Chống độc chống độc để cùng phối hợp giải quyết. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường thêm ngay hai bác sĩ và hai điều dưỡng đến hỗ trợ kíp trực để cùng xử trí, sao cho khỏi ảnh hưởng đến việc cấp cứu cho các BN nặng khác đang cần khám và điều trị. Chính nhờ có các giải pháp kịp thời này mà các cháu học sinh đã được thăm khám và đã xử trí ngay. Chỉ trong vòng 2h đồng hồ, hầu hết các cháu đã được về nhà. Chỉ còn hai cháu có trên 10 nốt đốt, chúng tôi quyết định lưu lại Khoa Nhi để theo dõi thêm. 4h sau khi có kết quả xét nghiệm không có vấn đề gì nghiêm trọng hai học sinh đó cũng đã ra viện.
Theo thông tin các phụ huynh kể lại, sự việc ong đốt học sinh trường tiểu học Yên Sở xảy ra lúc 15 giờ chiều. Trong giờ ra chơi, một vài học sinh nam đã dùng đá ném vào tổ ong gây vỡ tổ khiến ong bay tứ tung và nhiều học sinh cùng bị ong đốt.
Theo Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai:
Cách xử trí khi bị ong đốt:
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong.
- Dùng kẹp nhổ tóc để nhổ, hoặc dùng cạnh sắc của miếng bìa, thẻ tín dụng, thẻ điện thoại,…để gạt và lấy ngòi ong ra (áp dụng với ong mật, số lượng vết đốt ít).
- Cho bệnh nhân uống đủ nước: Nên dùng nước pha với ORESOL hoặc nước canh, nước quả, nước khoáng.
- Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để khám.
- Gọi cấp cứu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay nếu:
- Số lượng vết đốt nhiều (từ 10 nốt trở lên).
- Ong rừng đốt.
- Bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng (có thể gây tắc thở hoặc mù mắt).
- Bệnh nhân có biểu hiện khó chịu, ví dụ:
- Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt.
- Mẩn ngứa.
- Khó thở.
- Mệt nhiều.
- Đái ít.
- Vàng mắt, vàng da.
- Bệnh nhân khó thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng phương tiện hiện có.
- Không tự dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược), không bôi vôi vì tốn thời gian, không tốt nếu vết cắn nhiều, vết đốt ở mặt, cổ, miệng.
Các xử trí kịp thời khi bị ong đốt
- Tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết.
- Không kích động hoặc trêu ong, không làm tổn thương ong (sẽ tiết ra chất báo động đàn ong bay tới), không chọc phá tổ ong nếu thấy không cần thiết và không đảm bảo an toàn.
- Không để hoang nhà cửa, các tầng nhà hoặc phòng (ong dễ đến làm tổ).
- Phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ ong mới xây (còn nhỏ, thường tháng 3-4).
- Không nên coi ong vào nhà hoặc làm tổ trong nhà là báo hiệu điều tốt lành.
- Khi đi vào rừng, tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm,… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín nếu có thể.
- Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa).
- Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi (không làm nếu nguy cơ cháy rừng).
- Cách loại bỏ tổ ong: dùng khói (không làm nếu nguy cơ gây cháy), bình xịt diệt côn trùng (ví dụ bình xịt muỗi) để xua ong đi hết. Sau đó dùng màn hoặc lưới mắt nhỏ để bọc tổ ong và gỡ đi (để tránh trường hợp ong còn trong tổ). Người làm mặc quần áo dày hoặc áo mưa (loại nhựa dày) và đầu đội mũ kín, đi găng dày.
- BS. Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc đưa ra lời tư vấn: Khi bị ong thường hoặc các loại côn trùng đốt thì điều cần làm ngay là: vệ sinh chỗ bị đốt bằng cồn 70 độ. Sau đó bôi bằng mỡ corticoid (Gentrison) (4-6 lần/ngày) và Phenaegan (8 – 10 lần/ngày). BS Dũng cũng khuyên các gia đình nên dữ trữ sẵn các loại thuốc trên trong tủ thuốc gia đình để khi có sự cố xảy ra có thể xử trí ngay và đưa người nhà đến cơ sở y tế gần nhất. Khi bị trên 10 nốt ong đốt thì bệnh nhân nên được giữ lại ở bệnh viện để theo dõi.
Đối với trường họp ong vò vẽ, ong bắp cày đốt thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có xử trí kịp thời. Vì đây là 2 loại ong đốt có gây độc tính. Trong trường bị đốt vào vùng đầu, mặt, cổ có thể gây phù nề thanh môn dẫn đến bít đường thở, hoặc sốc phản vệ có thể gây tử vong nhanh. Sau khi được xử trí sơ bộ tại y tế địa phương, tuỳ tình trạng bệnh nhân, nếu cần thiết sẽ chuyển lên các BV tuyến trên. Tuyệt đối không nên tự ý đưa bệnh nhân từ xa vượt tuyến thẳng về Trung ương khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
Đỗ Hằng