Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Căn bệnh ung thư khiến Chủ nhiệm phim “Gạo nếp gạo tẻ” qua đời nguy hiểm thế nào?

Sau 3 năm chống chọi với bệnh ung thư đại tràng, chủ nhiệm phim “Gạo nếp gạo tẻ” Phương Tần đã qua đời khiến nhiều người không khỏi xót xa. Các bác sĩ cho biết, ung thư đại tràng là ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan. Thế nhưng, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%.

Theo TS.BS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, với những bệnh nhân mắc bệnh đại tràng thực thể như viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh Cronh... thì rất dễ có nguy cơ tiến triển thành bệnh ung thư đại tràng.

Ung thư đại tràng ít xuất hiện người dưới 50 tuổi, mà chủ yếu trên 50 tuổi, trên 80% gặp ở những người có polyp đại tràng, xuất hiện nhiều ở nhóm người ăn nhiều thịt đỏ và thịt có chất bảo quản thì tăng nguy cơ hơn. Những người hút thuốc lá, uống rượu thường xuyên cũng có nguy cơ cao hơn. Ở nhóm người tăng cường vận động thể lực thì dễ mắc bệnh hơn; nhóm người ăn nhiều rau chất xơ thì ít mắc bệnh hơn.

Như vậy, TS. Khanh cho rằng, rõ ràng ta có thể phòng tránh bệnh này và tầm soát yếu tố nguy cơ. Do đó, những người viêm loét viêm loét đại tràng chảy máu, bệnh Cronh thì cần tầm soát.

Nhóm 2 là nhóm có yếu tố gia đình, tuy là bệnh không di truyền nhưng những người trong gia đình như bố mẹ, anh em mắc bệnh thì có yếu tố nguy cơ hơn. Cần tầm soát soi đại tràng sớm hơn 10 năm so với những người khác.

TS. Phạm Văn Bình - Trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương cho biết thêm, ung thư đường tiêu hóa là bệnh ung thư thường gặp và là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày đang có xu hướng tăng lên.

Nếu như trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Tại Bệnh viện K Trung ương, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng, đặc biệt có những bệnh nhân phải chỉ định phẫu thuật ung thư đại trực tràng khi mới 12,13 tuổi… Đó là hồi chuông cảnh báo, mọi người cần đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm để điều trị kịp thời - chuyên gia ung thư cảnh báo.

can-benh-ung-thu-khien-chu-nhiem-phim-gao-nep-gao-te-qua-doi-nguy-hiem-the-nao-1

Nghệ sĩ Phương Tần (trái) khi còn nằm chữa trị bệnh hiểm nghèo tại BV Thủ Đức.

Chú ý các dấu hiệu nguy cơ ung thư đại tràng

Theo các bác sĩ, bệnh ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Song một vài trường hợp, nó báo hiệu sự tồn tại của các khối u ở dạ dày - ruột. Chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân.

Bệnh nhân giảm cân bất thường, không rõ nguyên nhân rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa. Bệnh nhân mệt mỏi, suy nhược, người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.

Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài. Ung thư đại trực tràng thường khiến người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài. Khi đi đại tiện, người bệnh thường bị đau quặn, mót rặn, phân nhày mũi máu và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp...

Đi đại tiện ra máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân. Một số trường hợp, ở giai đoạn cuối bệnh nhân còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, toàn thân gầy đi, số lần đại tiện tăng, khi táo bón, khi tiêu chảy.

Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần...

Để phòng ngừa bệnh ung thư đường tiêu hóa, TS. Bình khuyến cáo mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A.

Duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện sớm và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.

Ngoài ra, những người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, nôn ra máu… thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời để không bỏ lỡ cơ hội trị bệnh.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image