Trẻ em mắc đái tháo đường có thể chỉ được phát hiện khi nhập viện điều trị bệnh lý khác.
90% ca mắc đái tháo đường có thể ngăn chặn bằng dinh dưỡng lành mạnh và vận động thể lực
Ngày càng nhiều ca đái tháo đường ở người dưới 18 tuổi TS-BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường (ĐTĐ), Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), cho biết ĐTĐ týp 2 đang tăng lên ở người trẻ. Nếu trước đây thường chỉ gặp ở người trên 35 tuổi thì hiện nay đã gặp nhiều ở người dưới 35 tuổi và cả dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp ĐTĐ ở trẻ nhỏ không được nhận biết và chẩn đoán kịp thời.
Khoa Nhi BV Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân (BN) 13 tuổi, đã nằm viện nhiều ngày tại BV tỉnh vì sốt cao, được điều trị kháng sinh tích cực nhưng không đỡ sốt và ngày càng mệt hơn. Sau 1 tuần xét nghiệm thấy đường huyết quá cao nên trẻ được chuyển đến BV trong tình trạng nhiễm toan ceton nặng (một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi cơ thể sản sinh quá nhiều a xít trong máu, được gọi là ceton), và có áp xe gan.
BN được chẩn đoán ĐTĐ týp 2, do trẻ béo và có yếu tố gia đình rất rõ: bà, mẹ và một số người thân khác đang điều trị ĐTĐ týp 2. Cháu bé này không hề được phát hiện ĐTĐ cho đến khi nhập viện điều trị áp xe gan.
TS-BS Nguyễn Quang Bảy đánh giá: “ĐTĐ có yếu tố gia đình khá rõ, nếu trong nhà có người thân bị ĐTĐ, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp… thì những đứa trẻ béo phì cần được kiểm tra xem có bị ĐTĐ không. BN này có lẽ đã bị ĐTĐ týp 2 từ lâu, và chính đường huyết cao kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng”.
Gai đen vùng nách, gáy - theo dõi đái tháo đường
“Tình trạng gai đen vùng da gáy hoặc vùng nách ở những trẻ béo phì có thể là chỉ dấu của ĐTĐ týp 2, vì nó là dấu hiệu của tình trạng đề kháng insulin. Cần hết sức lưu ý những đám da đen sần này”, BS Bảy khuyến cáo.
Đề kháng insulin là tình trạng insulin bị giảm tác dụng lên đường huyết. Để khắc phục tình trạng này, cơ thể (tụy) sẽ phải tăng tiết insulin để bù trừ; nồng độ insulin tăng quá cao sẽ làm tăng các sắc tố da tập trung tại vùng gáy và nách.
BS Bảy lo ngại: “Việc điều trị ĐTĐ ở trẻ em khó khăn hơn vì việc sử dụng các thuốc uống hạ đường huyết cho nhóm BN này bị hạn chế, vì các thuốc ĐTĐ thường ít được nghiên cứu ở trẻ em, và trẻ thường tuân thủ điều trị kém, chế độ ăn uống, sinh hoạt không thể giống như người lớn”.
Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, với ĐTĐ ở người trẻ, biến chứng tiến triển nặng hơn, thời gian dẫn đến biến chứng sớm hơn và tỷ lệ có biến chứng nhiều hơn so với ĐTĐ ở người lớn tuổi.
Chia sẻ về một BN 16 tuổi, học lớp 10, đang được theo dõi, điều trị ĐTĐ, BS Bảy cho hay, cháu cao 1 m 83, nặng 88 kg, vào viện vì đường máu quá cao. Sau khi được ra viện về nhà, cân nặng vẫn tăng lên đến 90 kg, đường huyết chưa đạt mục tiêu. Qua tìm hiểu thì được biết, mặc dù cháu ăn sáng và tối ở nhà, buổi trưa ăn suất ăn do gia đình làm sẵn để cháu mang đến trường và cháu tập thể thao tích cực, nhưng sau tập thể thao cháu đói nên thường tự ăn quá mức, gây tăng cân, dẫn đến khó khăn cho điều trị.
90% bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có thể tránh được
Do trẻ em đang tuổi lớn, nếu phải điều trị ĐTĐ thì không nên ép giảm cân nhiều mà chỉ giảm từ từ hoặc giữ ổn định. Trẻ em mắc ĐTĐ týp 2 nhất thiết cần áp dụng chế độ ăn phù hợp và tăng cường vận động, tập thể thao tích cực để kiểm soát cân nặng và tăng chiều cao, thể lực.
Muốn thực hiện tốt điều này, BN ĐTĐ nói chung và BN trẻ tuổi nói riêng rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của mọi thành viên trong gia đình trong việc tìm hiểu kiến thức về bệnh ĐTĐ, thay đổi lối sống, điều trị và theo dõi bệnh. Bằng cách đó, chúng ta không chỉ kiểm soát được bệnh mà còn phòng ngừa được ĐTĐ vì có đến 90% BN ĐTĐ týp 2 có thể phòng ngừa được bằng lối sống tích cực, phát hiện bệnh sớm.
Nguồn: https://thanhnien.vn