Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Cảnh báo: Sưởi ấm bằng than hoa, nam thanh niên ngộ độc khí CO, tổn thương não nặng

Ngày 31/12/2023 Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân (nam, 31 tuổi) người dân tộc H mông, Xã Lóng Luông, Huyện Vân Hồ, Tỉnh Sơn La chuyển đến trong tình trạng hôn mê, suy thận, tổn thương cơ, được chẩn đoán ngộ độc khí CO, tổn thương não.

Khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân được biết: Vào đêm ngày 29/12, thời tiết giá lạnh, bệnh nhân có đốt than hoa trong phòng kín để sưởi ấm rồi đi ngủ. Đến khoảng 4h sáng người nhà nghe thấy có tiếng động trong phòng nên vào kiểm tra thì phát hiện bệnh nhân đã bất tỉnh, nên vội đưa đến bệnh viện.


 

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai: Khi đốt các nhiên liệu chứa các-bon như củi, than củi, than tổ ong, xăng dầu,… ở trong không gian mở thoáng thì nhiên liệu cháy hết và cơ bản tạo ra khí CO2 (các bon đi oxít) ít ảnh hưởng sức khỏe, nhưng nếu đốt trong khu vực kín cửa, nhiên liệu cháy dở dang sinh ra khí CO (các bon mô nô xít) lại là khí rất độc. Khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì.

Mặc dù hiện tại tình trạng bệnh nhân đã có ý thức tỉnh hơn, tuy nhiên đây là một trường hợp rất là nặng, có dấu hiệu tổn thương não hai bên rất rõ ràng, có tổn thương cơ, có suy thận…. Nguy cơ rất cao là bệnh nhân sẽ có các biến chứng về tâm thần, thần kinh lâu dài, ví dụ mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, run tay chân, co cứng cơ, liệt,…. Hiện tại Trung tâm Chống độc đang áp dụng các biện pháp điều trị tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra cho bệnh nhân.

BS Nguyên cho biết thêm: Theo những số liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, kể cả những trường hợp nhẹ nhất trong những trường hợp người bị ngộ độc khí CO, có tới khoảng gần 50% sẽ gặp những biến chứng về sức khỏe tâm thần, thần kinh, tổn thương não sau này. Nhẹ nhất có thể là suy giảm trí nhớ các mức độ khác nhau, thậm chí có thể là hôn mê, hoặc mất trí nhớ hoàn toàn.  


 

Hình ảnh não bị tổn thương của bệnh nhân

BS Nguyên khuyến cáo với người dân: Tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas,… để trong không gian kín. Nếu bắt buộc phải sử dụng thì không được sử dụng trong phòng kín, nên để mở cửa thoáng để có lưu thông khí đầy đủ. Tốt nhất là chọn phương pháp khác để sưởi ấm.

Một vấn đề nữa là cấu trúc nhà ở của người dân hiện nay rất có vấn đề về mặt thông khí, phần lớn tự xây, tự thiết kế và rất kín trong khi không có hệ thống thông khí hay chí ít thì có ô thoáng, có cách để bơm khí từ bên ngoài vào và hút khí từ trong ra. Rõ ràng về mặt thông khí thì cấu trúc nhà ở trong dân chúng hiện nay kém xa nhà cửa từ thời xa xưa đến tận thời bao cấp. Ở các nước phát triển, thời tiết lạnh hơn chúng ta rất nhiều, họ đốt củi trong nhà để sưởi ấm, nhưng đốt trong lò sưởi và có ống khói rất to dẫn lên trên nóc ra ngoài, đồng thời không khí lưu thông một chiều, khí sạch vào cửa bếp, còn khói cháy và khí CO chỉ có thoát ra ngoài qua ống khói. Thậm chí mỗi nhà có hệ thống thông khí riêng và lắp đặt thiết bị phát hiện khí CO trong nhà. Chúng ta có thể thấy hình tượng ông già Noel có thể chui được vào trong nhà qua ống khói thì rõ ràng ống khói phải đủ to để dẫn hết khí độc ra ngoài. Để giải quyết căn cơ vấn đề, các cơ quan quản lý phải kiểm soát thiết kế và xây dựng các nhà ở của người dân đảm bảo thông khí đầy đủ an toàn cho người dân.

Khi phát hiện người bị ngạt khí cần mở rộng cửa để làm thoáng khí, trường hợp bệnh nhân thở yếu, bất tỉnh, hoặc tim phổi không còn thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo hoặc ép tim (cấp cứu ngừng tuần hoàn) sau đó đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Tại các bệnh viện, bệnh nhân sẽ được cấp cứu điều trị tiếp.

Bài, ảnh: Thành Dương

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image