Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Chữa bệnh tim ngay tại quê nhà, như ở BV Bạch Mai

Ngày 10/9/2016, với sự hỗ trợ của PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, TS. Lê Tuấn Thành - Chuyên gia siêu âm tim - Viện Tim mạch Việt Nam, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật can thiệp tim mạch và lồng ngực, các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch BV  Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã thực hiện thành công kỹ thuật bít dù thông liên nhĩ đầu tiên. Đây là tin vui cho bệnh nhân ở Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh, thành lân cận nói chung.

Chất lượng Trung ương, chi phí địa phương

Bệnh nhân Nguyễn Thị Q. (26  tuổi , trú tại phường Phương Nam, TP. Uông Bí) là người được êkíp bác sĩ thực hiện thành công kỹ thuật này. Gia đình chị Q. cho biết, biểu hiện bệnh cũng không có gì đặc biệt vì chị chỉ thấy ho khan thúng thắng, thỉnh thoảng hồi hộp, đánh trống ngực, nhanh mệt mỏi khi vận động và không nghĩ mình có bệnh lý về tim. Cách thời điểm phẫu thuật khoảng 4 tháng, chị Q. đến BV khám để cắt amidan và được phát hiện có bệnh lý thông liên nhĩ. Kết quả điện tim cho thấy, block nhánh phải hoàn toàn, thiếu máu cục bộ cơ tim, chụp cắt lớp vi tính CT Scanner 128 lát có hình ảnh đường thông từ nhĩ phải sang nhĩ trái, đường kính khoảng 20mm. Bệnh nhân được chỉ định can thiệp bít dù lỗ thông dưới hỗ trợ của hệ thống máy DSA.

Theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, để đánh giá tình trạng tim, người bệnh phải được siêu âm tim bằng phương pháp siêu âm tim qua thực quản, xác định vị trí bít dù cả trước, trong và sau khi kết thúc quá trình can thiệp. Vì vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ chuyên ngành siêu âm tim, can thiệp, gây mê là hết sức cần thiết. Nếu đơn vị y tế không đảm bảo lực lượng bác sĩ có kiến thức sâu về các lĩnh vực này thì rất khó để triển khai kỹ thuật...

timmach.jpg

Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh (ảnh bệnh viện cung cấp).

Cũng theo PGS. Hùng, bít dù thông liên nhĩ là một phương pháp điều trị thông liên nhĩ cho hiệu quả cao, tuy nhiên chỉ áp dụng cho những lỗ thông có kích thước không quá to (thường dưới 40 mm) và các gờ xung quanh lỗ thông phải có độ chắc nhất định mới đảm bảo cố định được dù. Siêu âm đánh giá kích thước lỗ thông, độ chắc của các gờ xung quanh lỗ thông để sàng lọc trước khi tiến hành can thiệp là bước rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Thông liên nhĩ chiếm khoảng từ 5-10% các bệnh lý tim bẩm sinh, thường gặp chủ yếu ở nữ giới. Bệnh có triệu chứng lâm sàng rất kín đáo nên dễ bị bỏ sót.

Sau can thiệp vài ngày, người bệnh có thể đi bộ một quãng đường dài mà không thấy hiện tượng thở dốc như trước, chức năng tim dần dần được phục hồi.

Người nhà bệnh nhân Q. cũng cho biết, các bác sĩ có giải thích cho gia đình về tình trạng bệnh của cô, nếu như trước đây bệnh nhân Q. sẽ được chuyển lên Viện Tim mạch Quốc gia để được can thiệp. Tuy nhiên, giờ đây tại quê nhà có bác sĩ của BV Bạch Mai về tận nơi điều trị thì gia đình rất mừng vì vừa được các bác sĩ điều trị với chất lượng tuyến Trung ương mà lại chỉ phải chi trả theo chi phí ở tuyến dưới.

Nhiều kỹ thuật mới sẽ được triển khai trong thời gian tới

BS. Nguyễn Đức Hoành - Trưởng khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch, lồng ngực của BV cho biết, theo kế hoạch của Đề án bệnh viện vệ tinh, các bác sĩ bên cạnh được cử đi đào tạo thường xuyên còn được các thầy tuyến trên về tận nơi “cầm tay chỉ việc” nên chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, đồng thời tự tin hơn khi thực hiện các kỹ thuật mới.

Được biết, dù mới được thành lập tháng 4/2015 nhưng khoa đã triển khai, làm chủ được nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu như: đặt stent động mạch vành, động mạch chủ; mổ cắt phổi, thùy phổi; bắc cầu động mạch; thông tĩnh mạch; xử lý vết thương tim; đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn... Mới đây nhất là thực hiện thành công  phẫu thuật lõm ngực và dự định trong năm nay BV sẽ tiến hành phẫu thuật tim hở.

Ngoài ra, các phương pháp điều trị hiện đại khác như nút mạch gan trong điều trị ung thư hay nong can thiệp động mạch ngoại biên, suy tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch chi, đặt bit-coils... đã được thực hiện thường quy tại BV. Có thể nói, đây được xem như một bước tiến lớn trong công tác khám, điều trị cho bệnh nhân của BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và cũng là tin vui cho người bệnh khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.

Nguồn Suckhoedoisong.vn

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image