“Trong chống nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiệm vụ của ngành y tế là hàng đầu, nhưng cũng cần sự vào cuộc của các ngành khác và ý thức chấp hành của người dân” – PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Hơn 100 trẻ tử vong do lây nhiễm chéo sởi năm 2014; bốn trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh do sốc nhiễm khuẩn, 19 trẻ sinh non tại Bắc Ninh được chuyển lên tuyến trên cũng trong tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, trong đó có ba cháu sơ sinh mắc vi khuẩn đa kháng thuốc… Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) không mới, được nói tới quá nhiều, nhưng vẫn là câu chuyện nóng của ngành y tế trong những ngày gần đây.
Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Kính với vai trò là Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam về những thách thức và khó khăn của ngành y tế trong chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
Phóng viên: Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Kính, từ dịch Sởi năm 2014, cho đến sự việc xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đã khiến câu chuyện NKBV một lần nữa được đề cập như một tình trạng báo động của ngành y tế. Trong khi ngành y tế ngày càng phát triển, chúng ta đạt được nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến y tế cơ sở cũng như phát triển y tế chuyên sâu thì NKBV lại là bài toán chưa thể tìm lời giải của ngành y tế?
PGS.TS Nguyễn Văn Kính: NKBV đã được ngành y tế đặt ra từ lâu, không hề mới. Nhưng vì sao gần đây nó lại trở thành điểm nóng của ngành y tế là vì qua điều tra về sử dụng kháng sinh và theo dõi kháng kháng sinh cho thấy tỷ lệ các vi khuẩn kháng thuốc đang gia tăng nhanh dẫn đến nguy cơ tử vong cao do NKBV gây nên bởi các vi khuẩn đa kháng kháng sinh..
Trước đây, tỷ lệ NKBV thấp vì dù có xảy ra thì vẫn khống chế được bởi các kháng sinh còn nhạy cảm với vi khuẩn. Còn hiện nay ngày càng có xu hướng gia tăng. Thống kê chung của các nước, có khoảng 5-10% NKBV trong tổng số các nhiễm khuẩn nói chung. Tỷ lệ nhiễm sẽ cao hơn ở khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Ngoại và Sơ sinh. Thông thường NKBV hay gặp ở những bệnh nhân viêm phổi sau thở máy; sau mổ các đa chấn thương do tai nạn giao thông, sau các can thiệp đặt các ống thông vào tĩnh mạch, đặt xông tiểu, đặt ống dẫn lưu màng bụng, màng phổi…
Tại sao ở thời điểm này, NKBV lại trở thành vấn đề đáng báo động trong ngành y tế? Tôi cho rằng, có ba nhóm nguyên nhân chính: Thứ nhất do người bệnh và gia đình người bệnh phần nhiều tự ý sử dụng kháng sinh, khi bị ốm do mắc các vi khuẩn nguy hiểm gây dịch cần cách ly thì do phong tục tập quán có quá nhiều người đến thăm mang thêm vi khuẩn vào bệnh viện, ý thức dung thuốc hợp lý của người dân không cao.
Thứ hai, việc kiểm soát bán kháng sinh còn nhiều bất cập, việc bán kháng sinh theo đơn chưa được giám sát chặt chẽ. Thống kê cho thấy 82% thuốc bán ở các nhà thuốc là các loại kháng sinh. Việc mua kháng sinh dễ dàng cũng tạo điều kiện cho dùng thuốc không có kiểm soát.
Thứ ba, về phía các cơ sở y tế, mặc dù đã có các quy định nghiêm ngặt về chống nhiễm khuẩn bệnh viện nhưng nhiều khâu ở các bệnh viện làm chưa tốt do thiếu nguồn lực, trang thiết bị , cơ sở y tế xuống cấp, quá tải bệnh viện….
Vì thế, Việt Nam càng ngày phải đối mặt với nhiều nhóm vi khuẩn xuất hiện tình trạng đa kháng thuốc như: Lao đa kháng thuốc (Việt nam đứng thứ 7 trong số các nước có tình trạng Lao đa kháng trên thế giới); Tụ cầu kháng Methicilline, vi khuẩn gram âm kháng lại Carbapenem nhất là vi khuẩn nhóm Acinetobacter đã kháng lại hầu hết các kháng sinh sốt rét kháng thuốc Artemisininn.
Đây là khó khăn cho ngành y tế trong điều trị NKBV và tỷ lệ tử vong cao nhất là nhiễm trùng do các vi khuẩn đa kháng thuốc, với tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60-70%, thậm chí đến 90%.
Phóng viên: Theo một thống kê mới nhất mà Bộ Y tế công bố, hiện nay tình trạng NKBV chiếm tỷ lệ cao ở tuyến trên. Vì sao có tình trạng này dù các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là tuyến Trung ương được đầu tư trang thiết bị tốt hơn các tuyến dưới?
PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Có hai luồng dẫn tới NKBV là nhiễm khuẩn từ bệnh viện tuyến dưới chuyển đến và nhiễm khuẩn tại chính bệnh viện đang điều trị. Tất cả các tuyến đều có nguy cơ NKBV như nhau. Nhưng, nơi nào quá tải bệnh nhân nặng, các bệnh nhân được xử lý can thiệp nhiều trước đó đều có nguy cơ nhiễm khuẩn. Vì thế, các bệnh viện tuyến trên và đặc biệt tại tuyến Trung ương quá tải bệnh nhân, nhiều bệnh nhân được chuyển tuyến đã mắc NKBV ở tuyến dưới dẫn tới tỷ lệ NKBV ở tuyến trên cao hơn.
Môi trường bệnh viện của chúng ta quá chật chội, quá tải. Trên thế giới, một ca kháng kháng sinh phải cách ly phòng riêng nhưng Việt Nam vẫn 5-6 người/phòng. Các cơ sở y tế không muốn bị NKBV vì quá tải bệnh nhân, không thể không điều trị nên nguy cơ lây chéo giữa bệnh nhân có thể xảy ra.
Các bệnh viện đều có Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, nhưng họ đều không thể đủ nhân lực và kinh phí để bảo đảm được đúng tất cả các mục tiêu về giám sát nhiễm khuẩn. Theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, các bệnh viện phải làm quan trắc nhiễm trùng bệnh viện, phải lấy mẫu định kỳ từ môi trường buồng bệnh như từ thành giường, nắm tay mở cửa đến sàn nhà …và phải nuôi cấy rất tốn kém.. Việc này các bệnh viện phải tự chi trả, không thể có nguồn kinh phí để tự thanh toán.
Các bé sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đang được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai.
Phóng viên: Với vai trò là Giám đốc bệnh viện đầu ngành, Chủ tịch HộiTruyền nhiễm, ông có thể cho biết đâu là thách thức của Việt Nam trong công tác chống NKBV. Chúng ta cần phải làm gì để thực hiện chống NKBV?
PGS.TS Nguyễn Văn Kính:.Hiện nay, các tuyến dưới không có trang thiết bị tìm ra vi khuẩn kháng thuốc nên không thể lựa chọn được kháng sinh điều trị phù hợp. Thậm chí một số cơ sở y tế tuyến tỉnh, khoa vi sinh thiếu rất nhiều trang thiết bị, thiếu cán bộ vi sinh lâm sàng, khoa truyền nhiễm bị thu nhỏ hoặc lồng ghép vào khoa nội, nhi vì không có bác sĩ chuyên khoa.
Việc áp dụng các kỹ thuật cao trong hồi sinh cấp cứu đã cứu được nhiều ca bệnh nặng nhưng những can thiệp cũng là nguồn tiềm tàng gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Điều đó đòi hỏi phải có quy trình sử dụng nghiêm ngặt. Các bệnh viện phải cố gắng tối đa, thực hiện đúng những quy định về chống nhiễm khuẩn của Bộ Y tế, thực hiện môi trường bệnh viện sạch, đẹp, an toàn. Các bệnh viện cần đầu tư cho công tác chống nhiễm khuẩn. Nguồn nhân lực cũng phải được chú trọng đào tạo. Thực hiện nghiêm ngặt quy định bán kháng sinh theo đơn; Sử dụng kháng sinh đúng, an toàn, hiệu quả.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có phòng xét nghiệm vi sinh tham chiếu hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến trước nên chúng tôi có thể xác định vi khuẩn gây bệnh rất nhanh, dễ dàng tìm ra được thuốc phù hợp để điều trị vi khuẩn, giảm tỷ lệ tử vong. Bệnh viện cũng đang tích cực thực hiện quy định chống nhiễm khuẩn bệnh viện của Bộ y tế và hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh trong công tác này.
Để đối phó tình trạng NKBV nói chung và tình hình đa kháng thuốc nói riêng cho từng bệnh viện, Bộ Y tế thành lập Ban chỉ đạo phòng chống kháng thuốc. Ban chỉ đạo này gồm các thành viên của tổ chức quốc tế và Việt Nam bao gồm đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 quốc gia…
Với vai trò chủ đạo, Bộ Y tế ban hành các quy định về kiểm soát NKBV, trong đó có hướng dẫn dự phòng chung, cách ly những bệnh truyền nhiễm mắc bệnh đa kháng thuốc. Ngoài hướng dẫn chuyên môn để tránh lây nhiễm qua không khí, tiêu hóa, máu, tiếp xúc… Bộ còn có hướng dẫn phòng chống nguy cơ lây lan, thực hiện vô trùng phòng bệnh.
Để ngăn chặn NKBV không thể chỉ là công việc của ngành y tế. Các ngành khác sẽ cùng phối hợp kiểm soát trong việc sử dụng kháng sinh. Người nhà bệnh nhân phải phối hợp với thầy thuốc bảo đảm môi trường vô trùng cho người bệnh. Phải giải quyết kết hợp yếu tố cộng đồng gia đình, bệnh viện và ngành dược.
Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Kính!
Nguồn Nhandan.com.vn