Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

CHĂM SÓC GIẤC NGỦ CHO NGƯỜI BỆNH RỐI LOẠN HỖN HỢP LO ÂU VÀ TRẦM CẢM

Chiều 27/11, Viện Sức khỏe Tâm thần tổ chức sinh hoạt CLB Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm. Với những nội dung thiết thực và dễ hiểu, buổi sinh hoạt đã thu hút sự tham gia của gần 100 người là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những người quan tâm...

Chia sẻ tại buổi sinh hoạt, BSCKII. Bùi Văn Lợi, Phòng Điều trị rối loạn liên quan stress và tình dục cho biết: Lo âu là một cảm giác bất an và lo lắng quá mức, không kiểm soát được. Đi kèm với cảm xúc đó là sự căng cơ, bồn chồn, mệt mỏi, khó tập trung. Trầm cảm là quá trình hoạt động tâm thần bị ức chế. Trong đó, triệu chứng cơ bản là cảm xúc bị ức chế, tư duy bị ức chế và hoạt động bị ức chế

Nhận diện người bệnh bị rối loạn lo âu phối hợp với trầm cảm

Bàn về nguyên nhân sinh bệnh, bác sĩ Lợi cho biết: Có sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, các yếu tố môi trường như các trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, các bệnh lý cơ thể kết hợp với việc sử dụng rượu và chất gây nghiện khác. Các tác động của sang chấn tâm lý, stress trong cuộc sống cũng là yếu tố góp phần vào việc khởi phát, tăng diễn biến và kéo dài dai dẳng rối loạn lo âu trầm cảm trong suốt cuộc đời người bệnh.

Để nhận diện và có giải pháp điều trị sớm, bác sĩ Lợi chia sẻ: Các triệu chứng cơ thể của lo âu rất phong phú, bao gồm: Khó thở, khó chịu ở ngực hoặc bụng; buồn nôn, đi ngoài, đi tiểu nhiều lần, các cơn đỏ mặt, ớn lạnh, tê bì, tê cóng hoặc cảm giác kim châm yếu, căng cơ hoặc đau đớn, không đứng vững và cảm giác sắp ngất.

Về mặt hành vi người mắc lo âu thường biểu cảm trạng thái sợ hãi, thu rút, né tránh, dễ cáu bẳn, bất động, thở nhanh, khó nói; tăng nhạy cảm, giảm tập trung chú ý, sợ mất kiểm soát hoặc hóa điên. Người bệnh thường suy nghĩ mọi việc theo hướng trầm trọng hóa, thảm họa hóa vấn đề… Trạng thái lo âu khiến người bệnh luôn căng thẳng, cáu kỉnh, cảm giác tù túng, đang bên bờ vực và không thể thư giãn. Trạng thái này có hoặc không liên quan rõ rệt với sang chấn tâm lý và điều đáng chú ý là các rối loạn này không dần mất đi khi sang chấn tâm lý không còn.

Nhóm các triệu chứng đặc trưng của trầm cảm bao gồm: Khí sắc trầm; Mất mọi quan tâm thích thú; Giảm năng lượng dẫn đến tăng mệt mỏi và giảm hoạt động; Giảm sút sự tập trung và sự chú ý; Giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin; Nhìn về  tương lai ảm đạm, bi quan; có những ý tưởng và hành vi tự huỷ hoại hoặc tự sát; Rối loạn giấc ngủ, Buổi sáng thức giấc sớm 2 giờ trước giờ thường ngày ; Ăn kém ngon miệng; Mất những quan tâm hay ham thích trong những hoạt động thường ngày; Trạng thái trầm cảm nặng hơn vào buổi sáng; Giảm hoặc mất hưng phấn tình dục rõ rệt...

Chăm sóc giấc ngủ cho người bệnh bị rối loạn lo âu phối hợp với trầm cảm

Tại buổi sinh hoạt, điều dưỡng Nguyễn Thu Trang đã chia sẻ về Chăm sóc giấc ngủ cho người bệnh bị rối loạn lo âu phối hợp với trầm cảm.


 

Bước 1: Để thực hành cách thở 4-7-8, người bệnh hãy tìm một nơi để ngồi hoặc nằm xuống một cách thoải mái. Nếu bạn đang sử dụng kỹ thuật này để đi vào giấc ngủ, tốt nhất là bạn nên nằm xuống.

Bước 2: Thực hành thở:

  1. Đặt lưỡi vào mặt sau của răng cửa trên và giữ ở đó trong suốt chu kỳ.
  2. Thở ra hoàn toàn bằng miệng, môi hơi hé mở, cảm nhận không khí đi quanh lưỡi ra ngoài, tạo ra âm thanh vù vù
  3. Mím môi lại và hít vào bằng mũi, cùng lúc đếm đến 4.
  4. Giữ hơi thở để đếm đến 7 (phần quan trọng nhất của kỹ thuật thở 4-7-8)
  5. Thở ra hoàn toàn bằng miệng tạo ra âm thanh vù vù trong khi đếm đến 8

Việc thực hành bài tập này có thể cho người bệnh giảm các triệu chứng đau đầu và chóng mặt; giảm stress và giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể; tăng cường chức năng của phổi và giảm các triệu chứng bệnh phổi; giảm các tác động của bệnh tim mạch, giảm huyết áp và nhịp tim, đồng thời cải thiện lưu thông máu; cải thiện giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon hơn và sâu hơn..

------------------------------------

Nếu bạn hoặc người nhà, người thân có các dấu hiệu trên, muốn tư vấn cách phòng ngừa, điều trị thì có thể đến khám và tư vấn tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

Địa chỉ: Cổng số 3 - Bệnh viện Bạch Mai, đường Phương Mai, phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.

  • Số điện thoại: 02435765344 – 0984104115
  • Email: nimhvn@gmail.com
  • FB: Nimh.Vietnam
  • Website: www.nimh.gov.vn
  • Đặt lịch khám online: Bcare.vn

Diệu Hiền

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image