Bé Dũng sau khi được phẫu thuật đang nằm điều trị tại BV Nhi Trung ương
Mẹ cháu D. nghe thấy con khóc vội chạy vào, thấy cảnh tượng hãi hùng trên liền ra sức kéo con chó ra nhưng không được.
Sáng 25/8, cháu bé được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi TƯ trong tình trạng dương vật gần như đứt rời chỉ còn dính một ít da. Bé được chuyển đến viện sau khi được sơ cứu cầm máu tạm thời tại bệnh viện huyện.
Bác sĩ Nguyễn Mai Thủy, khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi TƯ, người trực tiếp mổ cấp cứu cho bé Dũng cho biết: Vết chó cắn nham nhở, dương vật đứt rời, toàn bộ phần mềm dập nát, tầng sinh môn sưng nề, tím đen, không tiểu tiện được.
“Điều đáng buồn là bé được chuyển đến viện quá muộn sau 12 tiếng bị tai nạn nên chúng tôi không thể nối lại được dương vật cho trẻ. Hiện chúng tôi đã nối da niệu đạo, tạo đường tiểu cho bệnh nhi. Đây là sự cố hy hữu và vô cùng đáng tiếc” – BS Thủy cho biết.
Được biết, cháu D. sinh ra đã mắc bệnh xương thủy tinh, bại não, rất gầy yếu. Mặc dù cháu 5 tuổi nhưng chỉ nặng hơn 6kg. Cháu không thể tự di chuyển được như những trẻ bình thường mà thường nằm một chỗ.
BS Thủy cũng cho biết thêm, chó mèo vốn là loài vật cưng rất gần gũi thân thiết với nhiều gia đình, tuy nhiên các bậc phụ huynh cần cẩn trọng trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ - đối tượng chưa có khả năng tự vệ, tránh để trẻ tiếp xúc gần với vật nuôi, đề phòng các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Trước đó cũng đã có những trường hợp thương tâm xảy ra. Đó là trường hợp trẻ 8 tháng tuổi ở Hà Tĩnh được mẹ đặt nằm chơi ở sàn nhà để tranh thủ phơi lúa. Khi mẹ bé nghe thấy tiếng gào khóc dữ dội của con liền chạy vào nhà thì đã thấy con chó cắn mất dương vật của con.
Ngoài ra, một thông tin khác từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cũng cho hay chỉ trong tháng 8 đã có có bốn trẻ em bị chó cắn. Trong đó, nặng nhất là một bệnh nhi 9 tuổi (ngụ tỉnh Bình Phước). Bé bị chó cắn đứt rời cả môi dưới. Người nhà phải đuổi theo con chó giật lại môi, đưa đến bệnh viện phẫu thuật nối liền cho con.
Trao đổi với Infonet, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ em nhất là trẻ ở nông thôn rất hay bị chó cắn, nhẹ thì trầy xước chân tay, nặng thì sứt chân, nát mặt thậm chí nhiều trẻ nhỏ bị cắn mất bộ phận sinh dục.
Nguyên nhân của tình trạng này theo PGS Dũng là do trẻ nhỏ hay được bố mẹ để cởi truồng, trong khi chó lại không được đeo rọ mõm. Nhiều gia đình còn có thói quen sau khi trẻ ị xong thường gọi chó đến. Điều này tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị chó tấn công vào "của quý”.
Thông thường trẻ em thường bị chó nuôi tại nhà và chó nhà hàng xóm cắn. Trẻ từ ba tuổi trở xuống thường bị chó nhà cắn, còn trẻ trên ba tuổi thì đi chơi bị chó hàng xóm cắn. Thời điểm trẻ bị chó cắn thường diễn ra vào cuối ngày, trẻ từ trường về nhà hoặc vào cuối tuần khi trẻ ở nhà.
Các bác sĩ cho biết, khi trẻ bị chó cắn, người dân cần phải sơ cứu ngay lập tức bằng cách rửa sạch vết thương bằng nước sạch, nước muối sinh lý và xà phòng. Tránh chà xảt làm rách, lan rộng vết thương. Sau đó, chấm khô vết thương bằng bông gòn và thoa thuốc sát trùng. Đặc biệt, người dân không được đắp các loại lá thuốc lên vết thương chó cắn. Trong trường hợp các bộ phận bị cắn đứt rời cần tìm lại ướp lạnh rồi khẩn trương đưa trẻ đến viện để được phẫu thuật kịp thời.
Ngoài ra các chuyên gia y tế dự phòng cũng khuyến cáo, với những trẻ bị nhẹ (trầy xước hoặc vài vết cắn) trẻ cần được đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng dại đồng thời theo dõi tình trạng của con chó đó.
PGS Dũng khuyến cáo: Để phòng chó cắn gây ra những hậu quả đáng tiếc (có thể tử vong nếu con chó bị dại mà trẻ không được tiêm phòng kịp thời, hoặc vĩnh viễn không thể nối lại những bộ phận bị chó cắn đứt rời…) các bậc phụ huynh nên trông trẻ cẩn thận. Không nên để trẻ trêu đùa chó, tuyệt đối không để trẻ cởi truồng và cần đeo rọ mõm cho chó.