Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

Chọc hút, bơm rửa ổ áp xe tuyến vú dưới hướng dẫn siêu âm

Phương pháp này hạn chế tổn thương ống tuyến sữa và mô vú lân cận, giảm ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa, bệnh nhân vẫn có thể cho con bú trong và sau điều trị. BSCKII. Lưu Hồng Nhung, Trưởng nhóm X.quang vú, Trung tâm Điện quang có những chia sẻ để bạn đọc hiểu thêm về kỹ thuật này.

Chọc hút, bơm rửa ổ áp xe tuyến vú là gì?

Là phương pháp sử dụng kim chọc vào tổn thương viêm áp xe tuyến vú, để hút hết dịch mủ, sau đó bơm rửa lại bằng nước muối sinh lý cho tới khi làm sạch được tổn thương một cách tối đa. Toàn bộ quy trình được làm dưới hướng dẫn của siêu âm (bác sỹ sử dụng máy siêu âm để đánh giá tổn thương, định vị đường chọc kim, vị trí kim chọc, kiểm soát lượng dịch bơm rửa).

Có những kỹ thuật can thiệp nào khác? Hiệu quả của kỹ thuật chọc hút, bơm rửa ổ áp xe tuyến vú so với các kỹ thuật khác?

Phương pháp điều trị truyền thống là phẫu thuật chích rạch ổ áp xe hiện vẫn được áp dụng phổ biến hiện nay, tuy nhiên có những nhược điểm

Cần tiền mê hoặc gây mê toàn thân

Thường khi tổn thương ở giai đoạn sắp vỡ, hóa mủ hoàn toàn mới mổ.

Thời gian lành vết thương và chăm sóc sau mổ kéo dài

Tổn thương ống tuyến ảnh hưởng đến vấn đề tiết sữa và khó cho con bú, để lại sẹo gây hiệu quả thẩm mỹ kém

Có tỷ lệ tái phát trong khoảng 10-38%

Bệnh nhân nào có chỉ định và BN nào chống chỉ định với kỹ thuật này?

Chỉ định:

Chọc hút ổ áp xe vú được coi là phương thức điều trị đầu tiên với các tổn thương áp xe đã dịch hoá với 2 mục đích lớn: hút mủ ổ áp xe để giảm áp, bơm rửa làm sạch ổ áp xe và lấy mủ để nuôi cấy định danh vi khuẩn làm kháng sinh đồ.

        + Áp xe vú đã dịch hoá một phần, chưa tự vỡ mủ, tình trạng da còn bình thường (không quá mỏng, không hoại tử da và mô lân cận).

        + Áp xe vú đa ổ.

        + Kích thước ổ áp xe: hiện chưa có tài liệu nào giới hạn về kích thước tối đa ổ áp xe, tuy nhiên, một số tài liệu khuyến cáo nên áp dụng cho các ổ áp xe dưới 3cm hoặc dưới 5cm (5, 6, 8, 9). Các ổ áp xe lớn hơn có thể kết hợp với đặt ống dẫn lưu qua da có tạo áp lực âm.

Chống chỉ định

+ Áp xe vú đã vỡ ra ngoài da.

+ Các trường hợp có hoại tử da và mô vú

+ Áp xe vú mạn tính, tái phát nhiều lần.

+ Bệnh lý rối loạn đông máu nặng


 

Lịch trình theo dõi sau thủ thuật

Tái khám lần 1 sau 3-5 ngày, lần 2 sau 1 tuần, bao gồm khám lâm sàng, kiểm tra siêu âm và xét nghiệm bilan viêm. Thủ thuật được thực hiện lặp lại nếu cần thiết.

Tái khám lặp lại cho tới khi không còn ổ áp xe trên siêu âm, các bilan viêm trở về bình thường, bệnh nhân hết triệu chứng (7 ngày, 14 ngày, 30 ngày).

Điều trị không đáp ứng khi tình trạng viêm không giảm trên lâm sàng và xét nghiệm, vùng da trên ổ áp xe trở nên mỏng, hoại tử, cần chuyển phẫu thuật chích rạch ổ áp xe, cắt lọc tổn thương hoại tử.

Bệnh nhân cần lưu ý sau khi thực hiện thủ thuật?

- BN cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị do bác sỹ kê đơn (theo kháng sinh đồ)

- Phải tái khám và siêu âm lại tuyến vú trong quá trình điều trị, ngay trước khi kết thúc điều trị

Phương pháp này có ưu điểm? hạn chế gì?

Ưu điểm

+ Hạn chế đau, hạn chế tổn thương ống tuyến sữa và mô vú lân cận, giảm ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa, bệnh nhân vẫn có thể cho con bú trong và sau điều trị.

+ Bệnh nhân không cần gây mê hay tiền mê, chỉ gây tê tại chỗ theo đường chọc kim.

+ Thời gian thực hiện thủ thuật nhanh, có thể áp dụng cho các trường hợp cấp cứu chọc giảm áp ổ áp xe, hay các bệnh nhân điều trị ngoại trú.

+ Vết chọc nhỏ nên hầu như không để lại sẹo xấu, hiệu quả thẩm mỹ tốt sau điều trị, ít tạo ra đường rò.

+ Thêm vào đó, thủ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm, một phương tiện ưu việt và linh hoạt, có khả năng chẩn đoán mức độ dịch hoá, đánh giá kích thước, số lượng, vị trí ổ áp xe, kiểm soát được đường kim chọc, tiếp cận được nhiều vị trí khác nhau, theo dõi lượng dịch tồn dư trong và sau điều trị.

+ Ngoài ra, với các ổ áp xe lớn, chọc hút kết hợp với đặt catheter dẫn lưu áp lực âm có thể dẫn lưu nhanh được các chất mủ đặc quánh của áp xe mà vẫn đảm bảo xâm lấn tối thiểu.

Hạn chế:

+ Các trường hợp ổ áp xe quá đặc, chưa dịch hoá hoàn toàn,

+ Khi bề mặt da quá mỏng, bóng, hoặc thấy rõ khối áp xe có thể vỡ qua lớp da nếu can thiệp vào hoặc đã tự vỡ, hoặc khi da có dấu hiệu hoại tử thì thường không áp dụng được. Khi đó, chỉ định tốt nhất là chích rạch và dẫn lưu

 + Các ổ apxe tái phát lại nhiều lần sau khi đã mổ chích rạch: việc chọc hút bơm rửa sẽ không để khỏi hoàn toàn.

Những vấn đề có thể phát sinh trong và sau quá trình thực hiện kỹ thuật là gì?

- Chảy máu: ít gặp, thường ở mức độ nhẹ và không cần điều trị.

- Tràn khí khoang màng phổi khi kim chọc xuyên qua thành ngực vào màng phổi: rất hiếm gặp. Bệnh nhân có biểu hiện khó thở và đau ngực cấp, cần chuyển cấp cứu, xử trí thở oxy, dẫn lưu khoang màng phổi nếu lượng tràn khí nhiều.

- Phản ứng thần kinh phế vị: Người bệnh khó thở, lo lắng, biểu hiện buồn nôn, trào ngược. Xử trí: dừng thủ thuật, ủ ấm, dùng thuốc chống nôn, động viên, giải thích cho người bệnh.

- Dị ứng thuốc gây tê: Người bệnh có biểu hiện dị ứng, mẩn ngứa, khó thở, tim đập nhanh. Xử trí theo phác đồ xử trí phản vệ.

Nếu muốn được áp dụng kỹ thuật này tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân cần đăng ký với ai, thủ tục này thế nào?

Trường hợp BN đã có đủ các XN: siêu âm, XQ tuyến vú, có chẩn đoán là áp xe tuyến vú. BN cần mang tất cả các kết quả đã có tới phòng Can thiệp tuyến vú - Trung tâm Điện quang, BV Bạch Mai. Số hotline (trong giờ hành chính) 0917.058.822. Tại đây, BN sẽ được các bác sỹ thuộc nhóm vú tư vấn và hướng dẫn làm thủ tục để thực hiện kĩ thuật.

Trường hợp BN chưa có bất cứ một xét nghiệm nào, BN sẽ đến BV Bạch Mai để đăng kí khám (BN có thể khám tại các chuyên khoa sản – phụ khoa, nội, truyền nhiễm, khoa khám bệnh theo yêu cầu). BN sẽ được khám và siêu âm tuyến vú. Khi có kết luận cần phải thực hiện kĩ thuật này, BN quay lại gặp BS khám ban đầu để xin chỉ định, rồi tới phòng Can thiệp tuyến vú - Trung tâm Điện quang BV Bạch Mai. Số hotline (trong giờ hành chính) 0917.058.822 để được thực hiện kĩ thuật ngay trong ngày.

Diệu Hiền ghi

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image