Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, qua theo dõi trong khoảng 5 năm trở lại đây, tháng 2-3 dương lịch (tức tháng trước và sau Tết nguyên đán) năm nào cũng có số ca ngộ độc rượu phải cấp cứu, tử vong tăng hơn gấp đôi so với các tháng còn lại.
Bệnh nhân ngộ độc rượu thường tăng gấp đôi trong dịp Tết nguyên đán
Chiều nay, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018.
Rượu công nghiệp, rượu ngâm là nguy cơ hàng đầu
Là người thường xuyên phải cấp cứu, điều trị các bệnh nhân ngộ độc rượu nặng, thậm chí từng chứng kiến không ít bệnh nhân tử vong do ngộ độc rượu, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, những năm gần đây, số ca ngộ độc rượu methanol (rượu pha cồn công nghiệp có xu hướng tăng. Thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, số ca nhập viện luôn tăng vọt.
Hầu hết bệnh nhân có tình trạng lạm dụng rượu, uống rất nhiều rượu và nhập viện muộn, với các biểu hiện ngộ độc methanol khá nặng. Qua theo dõi quá trình điều trị, nguyên nhân gây ngộ độc phổ biến nhất là các loại rượu trắng phi pháp, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rượu sản xuất thủ công bị pha cồn công nghiệp. Đáng chú ý, chưa ghi nhận ngộ độc methanol từ bia, cũng chưa thấy trường hợp nào ngộ độc do uống rượu truyền thống nấu từ ngũ cốc.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết, 5 năm qua, toàn quốc ghi nhận 28 vụ làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Xác suất tử vong do ngộ độc rượu cao gấp nhiều lần các loại ngộ độc khác. Riêng năm 2017 ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol, với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện.
Qua theo dõi, số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều nhất vào thời gian từ tháng 2-4, trùng với thời điểm trước và sau Tết nguyên đán. Tính chung 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm tháng 2-4 hàng năm đều tăng vọt 40-50% so với các tháng còn lại.
Phân tích nguyên nhân từ các vụ ngộ độc rượu ở giai đoạn này cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp (rượu sản xuất công nghiệp) là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tử vong do ngộ độc rượu (chiếm 32,1); Tiếp đến là rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu…
Không chỉ để lại hậu quả nặng nề là ngộ độc hay tử vong mà rượu còn là nguyên nhân của 31% vụ đánh nhau, giết nhau; 33% vụ hiếp dâm; 18% vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau.
Theo Cục ATTP, nguyên nhân khiến ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng là do thị trường vẫn tồn tại rượu không đảm bảo an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao (cồn công nghiệp), rượu giả… do ý thức của người sản xuất kinh doanh, vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật. Trong khi đó, ý thức của người tiêu dùng còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này cũng còn khó khăn.
Rượu trắng pha cồn công nghiệp là nguyên nhân gây ngộ độc, tử vong hàng đầu
Đề nghị pha màu vào cồn công nghiệp
Tại hội thảo, đại diện Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép để bán cho người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, hiện tại, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 270 triệu lít rượu/năm. Vào các dịp Tết, tiêu dùng rượu sẽ tăng mạnh, kéo theo đó là nguy cơ các sản phẩm rượu không đảm bảo chất lượng được tuồn ra thị trường là rất lớn. Do vậy trong dịp này, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực này.
Dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ lo ngại khi những năm gần đây, mỗi dịp Tết lại chứng kiến những sự việc đau lòng vì số ca ngộ độc rượu, tử vong do rượu gia tăng. “Tết thì phải vui, nhưng mấy năm rồi năm nào cũng báo cáo có người chết trong dịp lễ hội đầu năm vì uống phải rượu có pha methanol quá mức” – bà Tiến trăn trở.
“Xã hội ngày càng văn minh hơn, chất lượng cuộc sống tăng lên, đừng để trong lúc vui chơi đầu xuân, nhiều người lại ngộ độc, tử vong vì rượu. Một phần vì nhiều người tiêu dùng nhận thức về vấn đề này còn hạn chế, phần khác do đạo đức của những người sản xuất, kinh doanh, vì quyền lợi mà bất chấp tính mạng của người dân, nhất là rượu có methanol, rượu giả, hàng kém chất lượng còn tràn ngập” – bà Tiến nói thêm.
Về giải pháp lâu dài để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đang biên soạn và dự kiến sẽ trình Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật phòng chống tác hại rượu bia trong tháng 6-2018 tới đây, sau đó sẽ trình ra Quốc hội. Đồng thời, tới đây Bộ cũng sẽ đề xuất tăng thuế rượu bia.
Bộ Y tế cũng đề nghị ngành Công Thương tăng cường quản lý tận gốc mặt hàng rượu, nguyên liệu cồn công nghiệp; khẩn trương có các quy định đưa chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để ngăn chặn việc pha cồn công nghiệp methanol vào rượu.
Với người dân, để phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết, Bộ Y tế khuyến cáo chỉ nên sử dụng các loại rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uống rượu vừa phải; Không vì ham rẻ mà mua các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất ở các cơ sở không đảm bảo an toàn.
Nguồn Anninhthudo.vn