Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NÂNG CAO CHĂM SÓC DINH DƯỠNG CHO BỆNH NHÂN NGOẠI KHOA

Tại Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và các Bệnh viện trên cả nước nói chung, số lượng bệnh nhân phẫu thuật ngoại khoa ngày càng tăng. Công tác chăm sóc dinh dưỡng, kiểm soát bữa ăn, chế độ ăn uống hàng ngày cho bệnh nhân một cách khoa học góp phần nâng cao chất lượng sống, duy trì sức khỏe trước và sau phẫu thuật, nhanh chóng hồi phục luôn cần thiết cho bệnh nhân ngoại khoa.

Để góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc người bệnh một cách toàn diện, ngày 15/1/2024, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức chương trình đào tạo với chủ đề: “Nâng cao chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại khoa”.


 

Báo cáo khoa học: “Thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân của điều dưỡng tại khối ngoại” của TS Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng phòng Điều dưỡng cập nhật những quy định, nhiệm vụ, nguyên tắc thực hành của điều dưỡng và vai trò của dinh dưỡng đối với bệnh nhân ngoại khoa. Qua các nghiên cứu từ thực tiễn các Bệnh viện, dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ giúp giảm 42% biến chứng nhiễm trùng, giảm 26% biến chứng không liên quan đến nhiễm trùng, giảm gần 3 ngày nằm viện, can thiệp dinh dưỡng sau khi xuất viện giúp giảm nguy cơ tái nhập viện. Qua nhiều khảo sát của đồng nghiệp về thực trạng, thuận lợi và khó khăn về chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh ở một số bệnh viện lớn trên toàn quốc, báo cáo của TS Lan Anh đã đề ra một số giải pháp để điều dưỡng trực tiếp chăm sóc và hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về chế độ dinh dưỡng cụ thể với từng trường hợp.

Ths Nguyễn Thị Thu Trang - Điều dưỡng trưởng Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Gan Mật đã giới thiệu quy trình can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân tại khối ngoại.Ths Thu Trang đã đề cập về vai trò của dinh dưỡng với bệnh nhân ngoại khoa, dinh dưỡng tốt cung cấp năng lượng chất dinh dưỡng để điều hòa chuyển hóa, duy trì chức năng sống, giúp tối ưu hóa cho sự lành vết thương và phục hồi nhanh, giảm tỷ lệ nhiễm trùng, ngăn ngừa hoặc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, giảm thời gian nằm viện, giảm mắc bệnh và giảm nguy cơ tử vong. Ngược lại, dinh dưỡng kém sẽ tăng khả năng mắc bệnh, biến chứng, sa sút về thể chất và tinh thần, nhiễm trùng lâu lành vết thương, khả năng tử vong cao hơn.


 

Cơ chế bệnh sinh của suy dinh dưỡng sẽ làm mất hoặc giảm chức năng hệ thống thần kinh ruột và thần kinh tự chủ, giảm chức năng cơ trơn thành ruột, thay đổi các con đường điều hòa hormon. Báo cáo của Ths Thu Trang đã bàn tới các phương pháp và quy trình cụ thể về các đường hỗ trợ dinh dưỡng với người bệnh tại Trung tâm phẫu thuật Tiêu hóa Gan Mật như: Hỗ trợ dinh dưỡng qua đường miệng, cho ăn qua đường tĩnh mạch, cho ăn qua ống thông hoặc phối hợp giữa các đường nuốt với từng nhóm bệnh nhân cụ thể, từng thời điểm, giai đoạn cụ thể trước mổ, sau mổ, xuất viện và cung cấp dinh dưỡng giai đoạn hồi phục.

Tại Trung tâm phẫu thuật tiêu hóa, bệnh nhân được quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, nhất là giai đoạn hậu phẫu. Theo Ths Thu Trang, không nên bắt bệnh nhân nhịn ăn lâu sau phẫu thuật, nên bắt đầu cho ăn qua miệng, bao gồm dịch trong, trong vòng vài giờ sau phẫu thuật. Ở hầu hết bệnh nhân, ăn sớm bằng thức ăn thông thường hoặc dinh dưỡng qua đường sonde, bao gồm dịch trong vào ngày 1 hoặc ngày 2 sau phẫu thuật, không làm suy yếu miệng nối trong phẫu thuật đại tràng, hoặc trực tràng và rút ngắn ngày nằm viện, đồng thời giúp tăng hồi phục và giảm nhiễm khuẩn. Cho ăn đường miệng sớm sẽ tăng hàng rào miễn dịch, phục hồi nhanh chức năng ruột, giảm tỷ lệ rò miệng nối, giảm tỷ lệ chảy máu vết thương, giảm thời gian điều trị nằm viện.

Dinh dưỡng sau phẫu thuật đường tiêu hóa chia làm 4 giai đoạn. Ngày phẫu thuật thông thường từ 0 đến 24 h sau phẫu thuật, bệnh nhân chịu tác động áp lực lớn như chuyển hóa mất nước, rối loạn điện giải, nhu cầu dinh dưỡng cần nuôi bằng đường tĩnh mạch với năng lượng từ 20 đến 25 kcalo/kg cân nặng/ngày. Giai đoạn tiếp theo từ 24 đến 48h sau phẫu thuật: Dinh dưỡng đường tĩnh mạch là chủ yếu, nuôi đường tiêu hóa chiếm từ 15 đến 20% tổng nhu cầu với thức ăn dạng lỏng như nước cháo loãng, sữa chia thành nhiều bữa, mỗi bữa từ 30 đến 50ml. Dung dịch khởi động ruột bằng nước cháo, 100g gạo nấu với 1 lít dung dịch, lọc bã hoặc xay mịn. Giai đoạn chuyển tiếp sau 2 đến 3 ngày sau phẫu thuật, tăng cường dinh dưỡng đường tiêu hóa, bỏ hẳn đường truyền tĩnh mạch, nhu cầu dinh dưỡng từ 30 đến 35 kcalo/kg cân nặng/ngày với đầy đủ vitamin, muối khoáng, vi chất, omega, chất xơ, nước. Giai đoạn hồi phục nhu cầu dinh dưỡng đòi hỏi giàu Protein, chất xơ, khoáng chất, vitamin, đạm động thực vật, omega3, glutamin, chia 4 đến 6 bữa/ngày với 35 đến 40 kcalo/kg cân nặng/ngày.

Vai trò của điều dưỡng độc lập và phối hợp bác sỹ, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân về chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, đánh giá nhu cầu dinh dưỡng, xác định các thiếu hụt dinh dưỡng và theo dõi chặt chẽ từng giai đoạn, lập kế hoạch cụ thể chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh, quản lý khoa học các biện pháp can thiệp, các hình thức dinh dưỡng thay thế ăn qua các con đường khác... Vai trò của dinh dưỡng và sự chăm sóc toàn diện của điều dưỡng góp phần vào sự thành công trong điều trị bệnh nhân ngoại khoa, bên cạnh những yếu tố quan trọng khác như đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên trong chẩn đoán, phẫu thuật, hồi sức tích cực với sự kết hợp đa chuyên khoa từ cấp cứu, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, hồi sức, phục hồi chức năng...   

Thùy Dương - Thành Dương

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image