Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Chuyện giờ mới kể về ca ghép tim đầu tiên cho trẻ nhỏ ở Việt Nam

Trước khi tiến hành ghép tim cho cháu bé, PGS Ước đã thức trắng đêm vẽ mô hình, thậm chí lấy quả tim giả định dựng trực tiếp trên ngực bệnh nhân để làm sao khi ghép không bị “lệch pha”.

Mới đây, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ca ghép tim cho một bệnh nhi (10 tuổi), nguồn tim được lấy từ một người cho chết não. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, để thực hiện được ca ghép này, các bác sĩ đã trải qua những giây phút “cân não” vô cùng kịch tính.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, người đã có kinh nghiệm và đã từng ghép hàng chục ca trước đó cũng phải nhận định: “Đây là một ca ghép vô cùng khó khăn. Không chỉ khó khi ghép mà còn khó cả khi tìm nguồn tim phù hợp”.

Theo chia sẻ của PGS Ước, người được ghép tim là cháu Nguyễn Thành Đ. (ở xã Viên Sơn, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội), phát hiện mắc bệnh tim các đây 6 tháng và sẽ tử vong nếu không được ghép tim. Tuy nhiên, với chiều cao chỉ 1m27, cân nặng 21kg thì việc tìm nguồn tim phù hợp dường như là điều không thể.

Chuyện giờ mới kể về ca ghép tim đầu tiên cho trẻ nhỏ ở Việt Nam - 1

Cháu bé được ghép tim hiện sức khỏe tiến triển tốt, có thể cai máy thở trong 1-2 ngày tới.

Trong lúc gia đình tuyệt vọng nhất vì không thể tìm được nguồn tim thì may mắn đã mỉm cười khi có một thanh niên 19 tuổi, bị chết não sau tai nạn giao thông đồng ý hiến tạng. Mặc dù đã có nguồn tạng, nhưng với trọng lượng cơ thể của người cho nặng 60kg thì việc làm sao để “sửa” quả tim phù hợp với cơ thể cháu Đ. lại một lần nữa khiến các bác sĩ đau đầu.

“Đối với ghép tim người lớn thì không cần đo đạc kỹ lưỡng mà chủ yếu dựa vào tiêu chí phù hợp cân nặng và chiều cao. Với cân nặng giữa người cho và người nhận vênh nhau dưới 20% thì việc tiến hành ghép sẽ rất tốt.

Nhưng trong trường hợp này, độ vệnh giữa người hiến và người nhận lên đến 300% ở thời điểm ghép. Vì thế ngay sau khi nhận được thông tin có người hiến tạng, các bác sĩ rất phân vân xem có nên ghép hay không.

Để đưa ra quyết định cuối cùng, chúng tôi phải tiến hành hội chẩn, đưa ra mọi tình huống giả định, từ kích thước buồng tim, đến việc chỉnh sửa tim làm sao cho phù hợp… Sau khi hội chẩn chúng tôi đã quyết định ghép tim cho cháu bé”, PGS Ước chia sẻ.

Chuyện giờ mới kể về ca ghép tim đầu tiên cho trẻ nhỏ ở Việt Nam - 2

PGS Ước mô tả lại quá trình dụng mô hình trên ngực bệnh nhân trước khi ghép.

Thậm chí khi quyết định ghép rồi, bản thân PGS Ước vẫn chưa yên tâm, trước ngày ghép PGS Ước đã phải thức thâu đêm vẽ mô hình các tình huống có thể xảy ra, đồng thời lấy quả tim giả định dựng trực tiếp trên ngực bệnh nhân, xoay các góc độ sao cho phù hợp…

“Bình thường, đối với những ca ghép khác, sau khi lấy được tim từ người hiến thì mới tiến hành thực hiện phẫu thuật trên người nhận. Nhưng trường hợp này, chúng tôi phải thực hiện đồng thời 2 kíp, vừa mổ lấy tim từ người hiến, vừa phanh ngực người nhận.

Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mổ đã tạo nên kết quả bất ngờ ngoài sự tưởng tượng đó là quả tim rất vừa vặn trong lồng ngực và đập tốt sau ghép. Tổng thời gian chúng tôi thực hiện ca ghép này là 10 tiếng, nhiều gấp đôi so với những ca ghép tim trước đó”, PGS Ước cho hay.

Về phía gia đình cháu bé được hồi sinh nhờ ghép tim, đứng bên ngoài phòng hồi sức chị Nguyễn Thị Mai Phương vẫn chưa hết cảm xúc bồi hồi, hòa cùng với đó là niềm vui, hạnh phúc: “Các bác sĩ nói con tôi đã được sinh ra một lần nữa, tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ, cảm ơn gia đình người hiến tạng. Họ đã cho con tôi được hồi sinh”.

Được biết, ngoài ca ghép tim trên, các bác sĩ bệnh viện Việt Đức còn thực hiện hai ca ghép thận và một ca ghép gan cũng từ nguồn tạng hiến của chàng thanh niên 19 tuổi bị chết não sau tai nạn.

Lê Phương/Khám phá

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image