Tôi đã gặp Giám đốc Bệnh viện GTVT và trao đổi về việc này. Hệ thống khám chữa bệnh là một loại hình dịch vụ về sức khỏe. Trong dịch vụ này có loại hình do nhà nước đầu tư, có loại hình do tư nhân đầu tư, do nước ngoài đầu tư. Quan điểm của tôi là các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này thì đều phải khuyến khích vì người sử dụng dịch vụ sẽ được lựa chọn. Quy luật kinh tế thị trường sẽ tự thanh lọc, phân hạng và tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển.
Hiện nay, có hai luồng ý kiến về CPH bệnh viện công. Người thì chào đón, người thì không mặn mà. Quan điểm của ông ra sao?
CPH một bệnh viện công lập như Bệnh viện GTVT, theo tôi đó là tín hiệu tốt ở mấy điểm sau: Bộ GTVT nhiệm vụ chính trị là thực hiện các công việc về GTVT, về xây dựng cầu, đường, phát triển vận tải chứ không phải là cung cấp dịch vụ y tế, khám chữa bệnh. Trước đây thời bao cấp thì cán bộ, nhân viên ngành GTVT khi ốm đau thì đưa về Bệnh viện GTVT để chữa trị. Việc khám chữa bệnh có sự hỗ trợ công ích của bộ chủ quản. Bệnh viện Bưu điện, Nông nghiệp, Than… cũng chung đặc điểm này của bệnh viện ngành.
Tuy nhiên, nhiều năm qua chúng ta đã xóa bao cấp, phát hành thẻ bảo hiểm y tế rồi thì với người dân tiện đâu thì vào đó khám chữa bệnh chứ không phải là cán bộ của một doanh nghiệp ở TPHCM phải chạy ra Hà Nội để khám bệnh.
Do vậy CPH Bệnh viện GTVT là tốt, cán bộ, nhân viên được mua cổ phần, trở thành người chủ của bệnh viện. Trong bệnh viện công lâu nay, chất lượng dịch vụ là do cấp trên giám sát và nhiều khi không bằng cổ đông giám sát! Theo quy luật thị trường bệnh viện nào chất lượng tốt thì sẽ phát triển và đây là điểm khác biệt so với thời kỳ bao cấp. Tôi ủng hộ việc CPH Bệnh viện GTVT và cũng tin tưởng là bệnh viện này sẽ phát triển.
Ông Nguyễn Quốc Triệu
Tôi nói như vậy không có nghĩa là đem hết bệnh viện công ra mà CPH! Mô hình CPH trước mắt phù hợp với các bệnh viện ngành như GTVT, Bưu điện, Than…Điều đó sẽ huy động được các nguồn đầu tư của xã hội, tăng cường giám sát của cổ đông và đồng thời sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp các dịch vụ về y tế.
Bệnh viện nào làm tốt thì người dân sẽ lựa chọn. Bây giờ nếu chỉ có một hệ thống bệnh viện nhà nước thôi thì có khác gì thời bao cấp chỉ có mỗi một loại xà phòng và ai cũng phải sử dụng loại xà phòng ấy! Nền kinh tế thị trường thừa nhận một bộ phận người dân giàu lên, có thu nhập cao chính đáng và vì vậy cũng phải có nhiều lựa chọn.
Với các bệnh viện nhà nước khác như Bạch Mai, Việt Đức, Xanh Pôn…thì chưa thể CPH được vì nhà nước vẫn phải nắm giữ để đảm bảo phục vụ đại đa số người dân với giá dịch vụ có sự kiểm soát, có sự hỗ trợ từ nhà nước. Nếu CPH thì rõ ràng là giá thỏa thuận, rất khác nhau. Bệnh viện nhà nước còn phải đi đầu trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cao, phòng chống dịch bệnh…
Như vậy, với bệnh viện công, theo ông đâu là giải pháp thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ?
Điều đầu tiên cần làm là phải rà soát sửa đổi nhiều quy định liên quan đến quản lý, giám sát các bệnh viện này. Theo tôi phải có cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng hiệu quả hơn. Người giỏi, người tốt phải được đãi ngộ tốt hơn. Việc đãi ngộ này phải mang tính chất hệ thống và phải cần thay đổi từ nhiều thông tư, nghị định.
Cảm ơn ông.
Nguồn http://www.tienphong.vn/