Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Công an còn bị tấn công, ngành Y không là ngoại lệ!

Ngành nào cũng đơn độc chứ không phải chỉ riêng y tế! Ngay đến công an là những người duy trì kỉ cương pháp luật mà còn bị hành hung thì y tế cũng không nằm ngoài - TS-BS Dương Đức Hùng nói về tình trạng hành hung nhân viên y tế.

Trong thời gian gần đây, hiện tượng tấn công các y, bác sĩ, nhân viên y tế trong bệnh viện liên tục diễn ra khiến xã hội bức xúc, những người công tác trong ngành y hoang mang. TS - BS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện Bạch Mai đã trao đổi với VnMedia về vấn đề này.

TS- BS Dương Đức Hùng

TS- BS Dương Đức Hùng: Ngay đến công an là những người duy trì kỉ cương pháp luật mà còn bị hành hung thì y tế cũng không nằm ngoài.

Cảnh sát, công an còn bị tấn công, bác sĩ lấy gì bảo vệ?

- Thưa BS, ông nghĩ như thế nào trước hiện tượng tấn công nhân viên y tế liên tục xảy ra gần đây?

Những vụ việc mà báo chí, truyền hình đưa trong thời gian gần đây khiến mọi người đã nghĩ là nhiều, nhưng vẫn rất ít so với thực tế. Có nhiều nhân viên y tế bị xúc phạm nhưng họ không đi khiếu kiện nên trường hợp ấy cứ thế trôi qua.

Có lẽ không phải chỉ riêng y tế mà ngành nghề nào cũng thế thôi, họ đều là những người tự trọng. Người ta đánh mình mà mình lại phải đi gõ cửa tất cả các cơ quan công quyền để kêu là người ta đánh tôi rất đau, đề nghị các ông xử lý người ta thì không làm được!

Nguyện vọng của nhân viên y tế cũng như tất cả mọi người nói chung là được sống, được làm việc trong một cái xã hội pháp quyền, tất cả mọi người phải thượng tôn pháp luật. Đánh người ta mà người ta không đi kiện thì không làm gì cả, xã hội như vậy nó hoang dã quá!

Nhưng thực tế, hiện tượng bạo lực trong xã hội tăng lên không chỉ đối với y tế. Cảnh sát giao thông còn bị đâm xe vào người, bị chém, rồi thầy giáo còn bị phụ huynh đánh... Đến công an còn bị bạo lực, thì  hiện tượng hung hãn ở trong xã hội là một thực tế đáng báo động.

Đã là pháp luật thì phải nghiêm khắc. Tôi e rằng, nếu mọi người trong xã hội, các cơ quan luật pháp, các cơ quan chính trị mà không có những biện pháp để bảo vệ cho người lao động trong đó có nhân viên y tế thì đến một ngày họ phải tự bảo vệ, họ “co lại” thì người thiệt thòi nhất chính là người bệnh.

Mong muốn của chúng tôi chính là được làm việc dưới sự bảo vệ của pháp luật một cách nghiêm minh thì chúng tôi mới yên tâm làm việc được.

Tuy nhiên, rất nhiều vụ hành hung nhân viên y tế, thậm chí như vụ đâm chết bác sĩ ở Thái Bình, báo đưa tin rất nhiều nhưng cũng chỉ dừng lại ở một vài số xong rồi hết. Tôi gần như chưa đọc được một trường hợp nào mà đối tượng bị xử lý theo luật hình sự cả. Trừ một trường hợp cách đây 2 năm hành hung bác sĩ bệnh viện Bạch Mai. Lúc đó, bệnh viện quyết liệt có công văn lên công an và đích thân thượng tướng Tô Lâm có chỉ đạo đưa ra xử lý theo luật hình sự ở TAND quận Đống Đa.

Vì thế, tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật chưa thể hiện rõ. Có lẽ đó cũng là một trong nhiều lý do để khi mọi người hỏi, đối tượng thường viện lý do “lúc đó gia đình tôi bị thế tôi bức xúc không kiềm chế được.”

Không thể trả lời với một lý do đơn giản như thế và cho qua. Người Việt chúng ta vẫn có câu nghĩa tử là nghĩa tận, điều đó đúng, nhưng không phải nhân danh sự đau buồn, bức xúc mà có thể làm những điều mà pháp luật không cho phép, nhất lại là đạo đức xã hội không cho phép, trong bất cứ hoàn cảnh nào!

Phải trả lời câu hỏi: Tại sao xã hội lại hung hãn như vậy?

- Chúng ta có nên đưa vào luật là những người có lời nói hoặc hành động xúc phạm đến các y bác sĩ thì phải phạt thật nặng để răn đe không?

Để giải quyết hành động này thì không phải chỉ Y tế mà đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cũng như giáo dục về nhận thức cho người dân. Mà trong gia đình, trong xã hội phải giáo dục từ bé chứ không phải đến khi đi học rồi đẩy trách nhiệm cho nhà trường. Trồng người phải hàng chục năm sau mới có được nền tảng đạo đức tốt, chứ không phải ra một điều luật cho Y tế xong lại phải có một điều luật cho Giáo dục hay một điều luật cho một lĩnh vực nào khác…

Gốc gác cơ bản là nhận thức của con người về quan hệ giữa người với người, vấn đề đạo đức nền tảng. Chúng ta nói rất nhiều đến “Tiên học lễ, hậu học văn”, và đây là điều chúng ta đang thiếu, đang bị xói mòn. Phải thay đổi, mà để thay những cái lớn, những cái sâu sắc như vậy, toàn bộ xã hội phải vào cuộc chứ không riêng gì y tế hay công an.

Trong bài phát biểu vừa rồi, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có nói rằng ngành Y tế đang đơn độc. Bác sĩ thấy điều này có đúng không?

Ngành nào cũng đơn độc chứ không phải chỉ riêng Y tế! Như tôi đã nói, ngay đến công an là những người duy trì kỉ cương pháp luật mà còn bị hành hung thì Y tế cũng không nằm ngoài.

Có những câu hỏi rằng, chắc phải do thái độ như thế này như thế nọ cho nên người ta đánh? Nhưng dù với lý do gì, con người đối xử với con người không thể theo kiểu xã hội nguyên thủy như thế được. Dùng vũ lực, dùng bạo lực - cái đó là không được! Hơn nữa, chúng ta đưa ra những trường hợp cụ thể như vậy để đánh giá về mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân, giáo viên - học sinh hay công an - người dân, nhưng trong xã hội, nhiều khi một cái được gọi là “nhìn đểu” cũng có thể đổi lấy một mạng người. Cái “nhìn đểu” đó dù không được định nghĩa trong từ điển, nhưng không hiểu tại sao nó lại đổi lấy một mạng người? Trong một xã hội văn minh không thể chấp nhận được những hành vi như vậy.

Và câu hỏi nên đặt ra là: Tại sao xã hội lại hung hãn như vậy? Để trả lời câu hỏi ấy thì có lẽ truyền thông báo chí nên mở một diễn đàn ở trên báo, trên mạng để cho mọi người cùng trả lời. Nếu chúng ta trả lời được câu hỏi đó thì chúng ta sẽ đưa ra được phương pháp.

- Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!

Nguồn VnMedia.vn

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image