Ngày 30/6/2023, Thành tựu của chương trình Aus4Innovation được trưng bày trong sự kiện Ngày Đối tác Đổi mới Sáng tạo Australia - Việt Nam tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Chương trình thu hút sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài trợ, các Viện/Trường và các doanh nghiệp. Bệnh viện Bạch Mai tham dự sự kiện với tư cách là 1 trong 4 Bệnh viện tuyến Trung Ương ứng dụng hiệu quả công nghệ AR trong hội chẩn, đào tạo từ xa để hỗ trợ cho tuyến dưới.
Chính phủ Australia đã hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam từ năm 2018 thông qua chương trình Aus4Innovation. Mới đây, chương trình đã chính thức được kéo dài đến năm 2028, đưa cam kết của chính phủ Australia lên 10 năm với tổng ngân sách hỗ trợ là 33,5 triệu đô. Chương trình Aus4Innovation được thực hiện thông qua quan hệ đối tác ba bên giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Cơ quan Khoa học Quốc gia Australia - CSIRO và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST). Chương trình khám phá các lĩnh vực mới nổi trong công nghệ và chuyển đổi số, thử nghiệm các mô hình đối tác giữa các tổ chức công và khối tư nhân, đồng thời tăng cường năng lực của Việt Nam trong dự báo các xu hướng kỹ thuật số, lập kịch bản chiến lược, đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu và xây dựng chính sách đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại Chương trình, Ngài Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: “Mặc dù Australia và Việt Nam đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau nhưng hai nước đều có chung mục tiêu đặt nền tảng cho sự tăng trưởng trong tương lai dựa trên khoa học và công nghệ, thúc đẩy tiềm năng hợp tác quốc tế trong đổi mới sáng tạo toàn cầu và khu vực. Quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo giữa hai nước rất thực chất, hiệu quả và được xây dựng dựa trên sự tin tưởng. Quan hệ đối tác được thiết lập ở mọi cấp độ: cá nhân, tổ chức và chính phủ và hướng tới sự bền vững. Trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh, trao đổi tri thức và đổi mới sáng tạo".
Đối với lĩnh vực y tế, các nhà hoạch định chính sách và các nhà tài trợ nhận thức rõ ràng rằng: Các bệnh viện trung tâm ở Việt Nam đang đối mặt với tình trạng quá tải. Điều này gây ra bởi tình trạng mất cân bằng về chất lượng và số lượng chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn giữa các bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới. Ở các vùng sâu, vùng xa, cán bộ và nhân viên y tế thiếu sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, cũng như công cụ đào tạo từ các chuyên gia ở bệnh viện Trung ương. Điều này tạo ra sự kém hiệu quả của hệ thống y tế và tăng thêm gánh nặng chi trả cho việc khám chữa bệnh và điều trị cho các bệnh nhân đến từ các vùng xa.
Từ thực trạng đó, một dự án chăm sóc sức khỏe từ xa được thiết lập tại Việt Nam nhằm mục đích cải thiện việc giao tiếp và khám chữa bệnh từ xa giữa các chuyên gia y tế tuyến Trung ương (người cố vấn) và các bác sĩ ở nông thôn (người được cố vấn) bằng cách sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR). Công nghệ tiên tiến AR cung cấp cho người dùng những trải nghiệm sống động. Trong đó, thế giới thực được nâng cấp bằng các định dạng ba chiều do máy tính tạo ra và gắn với các vị trí hoặc hoạt động cụ thể. Được tài trợ bởi Chính phủ Australia, dự án đã có sự tham gia của bốn cố vấn tại Bệnh viện Bạch Mai và mười bốn người được cố vấn, làm việc tại hai bệnh viện tuyến tỉnh, bốn trung tâm y tế tuyến huyện và hai trạm y tế xã ở tỉnh Yên Bái. Hệ thống AR của dự án bao gồm các trạm của người cố vấn sử dụng máy tính xách tay và các trạm của người được cố vấn sử dụng kính HoloLens 2. Hai trạm kết nối với nhau bằng các phần mềm chuyên dụng thông qua truy cập mạng Internet không dây. Những người tham gia ở cả hai phía đều được đội ngũ chuyên gia Australia đào tạo.
Người được cố vấn sau đó sử dụng hệ thống để gọi cho người cố vấn để nhận hỗ trợ từ xa trong việc khám chữa bệnh cho 94 người bệnh theo thời gian thực. Hệ thống AR đã được người dùng và người bệnh hoan nghênh, và đã cải thiện sự tự tin cho cả người được cố vấn và người cố vấn, đồng thời cho thấy những bằng chứng quan trọng về tính khả dụng, hiệu quả và sự chấp nhận bước đầu đối với công nghệ AR trong chăm sóc sức khỏe từ xa tại Việt Nam.
Chia sẻ về thành quả của sự dự án, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khi hợp tác với đối tác Úc thì chúng tôi học được tinh thần sáng tạo, sự tâm huyết và nhiệt tình trong triển khai các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học. Thông qua đó, chúng tôi đã đưa ra được những bài toán nan giải của Việt Nam, những khó khăn của các đồng nghiệp tại Việt Nam và nhận được những lời khuyên hết sức bổ ích từ các đồng nghiệp phía Úc. Chúng tôi tin rằng, đây là bước khởi đầu, là nền tảng cơ sở để có thêm những dự án mới triển khai rộng khắp, mở rộng phạm vi ứng dụng để người dân tại các cơ sở y tế vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo không có điều kiện đến được bệnh viện tuyến trung ương vẫn nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời và hiệu quả nhất.
Và thật may mắn là ý tưởng cho các dự án tiếp theo đã được xác định. Theo đó, chiến lược hỗ trợ được hoạch định cho các hoạt động như: sử dụng công nghệ AR với nhiều người cố vấn và người được cố vấn cùng lúc; áp dụng giải pháp AR để quản lý bệnh nhân nặng và giảm nguy cơ phơi nhiễm các bệnh truyền nhiễm cho nhân viên y tế, đặc biệt liên quan đến Covid-19; áp dụng giải pháp cho các dịch vụ y tế. UTAS và Bệnh viện Bạch Mai cũng đã ký Biên bản ghi nhớ để xác nhận ý định hợp tác phát triển các dự án nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.
Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam, việc tăng cường tài trợ vào chương trình Aus4Innovation là một minh chứng có ý nghĩa cho cam kết lâu dài của Australia đối với sự phát triển bền vững và bao trùm của Việt Nam./.
Diệu Hiền