Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Công tác xã hội tại bệnh viện: Cần lắm những những bàn tay như thế...

Những ngày gần đây, tại các bệnh viện thấp thoáng bóng những người khoác trên mình những bộ trang phục áo trắng bỏ trong những chiếc váy đen duyên dáng tận tình nâng niu từng bước chân người bệnh. Trên mình họ mang những chiếc thẻ xinh xắn ghi danh cán bộ Phòng công tác xã hội. Bước chân của họ rải khắp các phòng ban, ánh mắt ấm áp, ân cần...

Bệnh viện Lão khoa TƯ đầu ngày nào cũng đông. Toàn các bệnh nhân cao tuổi. Mỗi người thường mang trên mình rất nhiều bệnh tật nên nhiều người không dễ dàng gì để có thể vượt qua những cánh cửa phòng khám để đến với các bác sĩ.

Chính vì vậy, từ lâu, BV này thường trực bố trí 2 cán bộ phòng công tác xã hội đón đưa các cụ. Không những vậy, BV còn có cả một kế hoạch trong tương lai sẽ triển khai phục vụ người bệnh toàn bộ từ điều trị đến thay giặt cũng như nâng giấc họ trong suốt quá trình nằm viện ở đây.

“Đến BV, chúng tôi có cảm giác như ở nhà được con cháu chăm sóc tận tình”, như bà Trần Châu Khanh đến từ quận Thanh Xuân tâm sự với phóng viên.

 Cán bộ phòng công tác xã hội BV Lão khoa TƯ đón đưa các cụ. Ảnh: Thanh Loan

Cán bộ phòng công tác xã hội BV Lão khoa TƯ đón đưa các cụ. Ảnh: Thanh Loan

Theo ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: “Hiện nay, với sự quá tải ở các bệnh viện, áp lực công việc nặng nề đối với người thầy thuốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân. Do vậy, nếu có sự tham gia của nhân viên công tác xã hội hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng công tác xã hội sẽ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, khiến họ tuân thủ điều trị và chất lượng khám chữa bệnh sẽ được tăng lên. Đồng thời, đây cũng là biện pháp quan trọng góp phần nâng cao y đức của người thầy thuốc”.

Tại nhiều BV như Thanh Nhàn, BV K Trung ương, BV Việt Đức... đã tổ chức bếp ăn từ thiện, phát cơm, cháo cho người bệnh nghèo hoặc tổ chức các đợt khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, miễn phí cho người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Một số cơ sở y tế khác đã xây dựng được đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ bệnh nhân, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh... góp phần đáng kể giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị.

Người bệnh đến BV Bạch Mai thường gặp đội ngũ các tình nguyện viên cũng như các cán bộ Phòng Công tác xã hội giải đáp tận tình các thủ tục khám bệnh, đến các khoa phòng cần thiết, xoa dịu nỗi đau bệnh tật của bệnh nhi, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện, trợ giúp đắc lực cho bác sỹ, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân - bệnh viện - người nhà bệnh nhân, góp phần làm hài lòng người bệnh.

Chị Lê Thị Hảo, cán bộ công tác xã hội, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn vất vả song chị cảm thấy rất hạnh phúc mỗi khi một hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn được nhận sựtrợ giúp của các cá nhân và tổ chức xã hội.

"Ở bệnh viện, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, tôi phần nào thấu hiểu nỗi đau, sự bất hạnh của những người không may gặp bạo bệnh. Khi đó, ngoài sự động viên về tinh thần của người thân họ cũng rất cần sự trợ giúp về mặt vật chất của những người may mắn hơn. Được giúp họ, được san sẻ với nỗi đau của bệnh nhân tôi thấy trân trọng cuộc sống hơn cũng như khát khao muốn làm được thật nhiều việc hơn nữa để giúp đỡ cho họ", chị Hảo tâm sự.

Vai trò cũng như vị trí của họ quan trọng là thế nhưng theo Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Trần Quý Tường, hiện công tác xã hội vẫn chưa được tất cả các cơ sở y tế quan tâm đúng mức, chưa có chức danh chuyên môn về công tác xã hội trong cơ cấu nhân sự y tế và chưa có phòng công tác trong tổ chức bộ máy của bệnh viện. Đội ngũ này mới chỉ được hình thành ở các bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến Trung ương, còn bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện hoạt động này vẫn chưa được coi trọng.

Phần lớn cán bộ làm công tác xã hội tại bệnh viện chưa được đào tạo chính quy về nghiệp vụ này mà nhiều trong số đó là cán bộ kiêm nhiệm hoặc công tác ở lĩnh vực khác sau đó chuyển công tác sang lĩnh vực công tác xã hội. Đó còn chưa kể, hiện những hoạt động công tác xã hội tại các bệnh viện vẫn chỉ được tiến hành ở những giải pháp có tính chất bị động nhằm kêu gọi sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội cho bệnh nhân mà chưa có sự chủ động hợp tác giữa cán bộ xã hội và cán bộ y tế trong bệnh viện để cùng nhau nâng chất lượng khám chữa bệnh lên cao.

Để khắc phục những tồn tại này, theo ông Trần Quý Tường, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thành lập Ban chỉ đạo, phân công đơn vị đầu mối làm thường trực triển khai nghề công tác xã hội, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai hoạt động này tại các địa phương, đơn vị. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh truyền thông về nghề công tác xã hội trong y tế; xây dựng mô hình điểm, rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng các cơ sở hoạt động tốt, hiệu quả, đồng thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân làm tốt, xử lý nghiêm những cán bộ mắc sai phạm nếu có.

Theo Thanh Loan/ Báo Gia đình & Xã hội

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image