Tin tức dịch Covid-19 ngày 19/8/2020: Chiều nay, thêm 4 trường hợp mắc COVID-19 tại Đà Nẵng 2 ca, Quảng Nam và Hải Dương mỗi địa phương 1 ca...
Thêm 4 ca mắc mới COVID-19, trong đó 2 ca tại Đà Nẵng, 1 ca tại Hải Dương
Bản tin lúc 18h ngày 19/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 4 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó Đà Nẵng có 2 ca, Quảng Nam và Hải Dương mỗi địa phương có 1 ca. Tổng số ca mắc của Việt Nam đến nay là 993 bệnh nhân
Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 18h ngày 19/8: Việt Nam có tổng cộng 653 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay ghi nhận 513 ca.
- Tính từ 6h đến 18h ngày 19/8: ghi nhận 4 ca mắc mới, không có ca nhập cảnh.
Thông tin về các ca mắc mới: 04 ca mắc mới (BN990-993), trong đó 02 ca tại Đà Nẵng, 01 ca tại Quảng Nam và 01 ca tại Hải Dương.
CA BỆNH 990 (BN990) tại Đà Nẵng: Bệnh nhân nữ, 25 tuổi, là nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa Gia Đình. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang (đang tiếp tục điều tra dịch tễ).
CA BỆNH 991 (BN991) tại Quảng Nam: Bệnh nhân nam, 34 tuổi, có địa chỉ tại xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, có vợ là BN981 đã từng nằm điều trị tại Khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.
CA BỆNH 992 (BN992) tại Đà Nẵng: Bệnh nhân nữ, 37 tuổi, là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng (đang tiếp tục điều tra dịch tễ).
CA BỆNH 993 (BN993) tại Hải Dương: Bệnh nhân nữ, 40 tuổi, có địa chỉ tại phường Tân Bình, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, có tiền sử tiếp xúc gần với BN906 và BN970, liên quan ổ dịch tại đường Ngô Quyền, TP. Hải Dương.
Ngày 14/8, bệnh nhân được cách ly tập trung tại khu ký túc xá Trường Đại học Hải Dương. Ngày 15/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
Ngày 17/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả xét nghiệm ngày 18/8 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hải Dương.
Du khách rời Hội An được xét nghiệm Covid-19 miễn phí
Ngày 19/8, Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa ban hành thông báo về việc xét nghiệm COVID-19 cho khách du lịch có nhu cầu rời Hội An.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hội An, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn gần 400 khách du lịch là người nước ngoài đang lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tại địa phương còn diễn biến phức tạp, một số khách du lịch có mong muốn được rời Hội An để đến các địa phương khác an toàn hơn.
Nhằm hỗ trợ cho du khách thực hiện các quy định khi di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa..., Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hội An đề nghị các cơ sở lưu trú thông báo đến khách du lịch nếu có nhu cầu rời thành phố thì liên hệ Trạm Y tế tại địa phương để được xét nghiệm.
Đặc biệt, việc xét nghiệm cho du khách được thực hiện hoàn toàn miễn phí. Sau khi xét nghiệm, du khách phải tự cách ly tại cơ sở lưu trú, không tiếp xúc với nguồn nhiễm bên ngoài đến khi rời Hội An.
Liên quan đến tình hình phòng chống dịch COVID-19, từ ngày 25/7 đến nay, Quảng Nam ghi nhận 94 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng (Hội An có 29 ca). 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, trong đó có TP Hội An.
Sẽ có thêm ổ dịch COVID-19 trong cộng đồng
Tại cuộc họp ngày 18/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định sẽ xuất hiện thêm các ổ dịch trong cộng đồng, yêu cầu các địa phương nâng cao mức cảnh báo, triển khai các biện pháp bảo vệ chặt chẽ các địa điểm xung yếu như bệnh viện, nhà dưỡng lão, cơ sở bảo trợ xã hội, các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành Y tế đang nỗ lực kiểm soát ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Trước tình trạng nhiều địa phương vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là, GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện sớm các ca lây nhiễm trong cộng đồng, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó tránh để dịch bệnh xâm nhập, diễn biến phức tạp.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những yếu tố quyết định thành công của giai đoạn 1 là bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, từ chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, nêu gương cho đến xử phạt... đã huy động được mọi người dân thực sự vào cuộc chủ động phòng, chống dịch.
“Thời gian qua do thực tế chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày cho nên có tâm lý lơi lỏng. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất một năm nữa vắc-xin mới có thể đến với mọi người. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam có thể có thêm các ổ dịch rải rác trong cộng đồng và xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác. Do đó, đề nghị các địa phương phải luôn tăng cường nâng cao cảnh giác, nếu phát hiện kịp thời, sớm khoanh vùng, dập dịch sẽ thuận lợi.
Sáng 19/8, không ca mắc mới Covid-19, hơn 81 nghìn người được cách ly
Bộ Y tế thông tin, sáng nay không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Tính đến 6h ngày 19/8, Việt Nam có tổng cộng 649 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó 509 ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 81.585 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong chiều tối 18/8, có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Trong đó có 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính 6 lần (BN 523) được xuất viện về nhà và cách ly tại nhà. 4 trường hợp còn lại có bệnh nền rất nặng như suy thận mạn, suy tim, tăng huyết áp đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 3-8 lần với SARS-CoV-2.
Sau khi công bố khỏi bệnh, theo kế hoạch ngày 19/8 các bệnh nhân sẽ được chuyển về Bệnh viện C Đà Nẵng để tiếp tục lọc máu định kỳ và điều trị tiếp.
Số ca tử vong nâng lên 26 ca với 1 ca tử vong âm tính 4 lần với SARS-CoV-2). Đó là BN 418, nam, 61 tuổi, địa chỉ P Thanh Bình, Q. Hải Châu, Đà Nẵng, có tiền sử mắc Covid-19, tăng huyết áp, suy thận mạn tính, đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bệnh nhân đã được xét nghiệm âm tính 4 lần với SARS-CoV-2 vào các ngày 4/8, 10/8, 11/8, 12/8. Chiều 12/8, bệnh nhân tử vong do các biến chứng của suy thận mạn tính tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Chẩn đoán khi tử vong là choáng nhiễm trùng nhiễm độc, suy đa tạng không phục hồi, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Người vào Hải Phòng từ địa phương có ca nhiễm Covid-19 phải cách ly y tế
Theo đó, văn bản do Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đình Chuyến ký đã quyết định thành lập thêm 3 chốt, cụ thể:
Từ 6h ngày 19/8/2020 tổ chức kiểm soát dịch tại: Chốt số 1 tại phía sau trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhánh xuống Quốc lộ 10 huyện An Lão; chốt số 2 tại phía sau trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhánh xuống đường 353 quận Dương Kinh và chốt số 3 tại phía sau trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhánh xuống đường 356 quận Hải An.
Việc chấm dứt hoạt động kiểm soát dịch tại các chốt này khi có văn bản của UBND TP Hải Phòng.
Các chốt có nhiệm vụ kiểm tra y tế chặt chẽ đối với người và phương tiện ra vào thành phố, nhằm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, trong đó có thực hiện khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và các biện pháp phòng chống dịch khác...
Đối với những người vào Hải Phòng từ các tỉnh, thành phố, địa phương đang có ca nhiễm Covid-19 phải gửi ngay khai báo y tế cho các cơ quan y tế thành phố để tổ chức cách ly y tế theo quy định.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng đã quyết định thành lập lại hơn 2.400 tổ công tác kiểm soát dịch tại các thôn, tổ dân phố; chỉ đạo soạn thảo dự thảo văn bản chỉ đạo hạn chế tập trung đông người, cho dừng hoạt động các đò, phà kết nối với tỉnh Hải Dương; đưa người từ vùng dịch đến Hải Phòng đi cách ly tập trung và tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch...
Tính đến ngày 18/8, Hải Phòng vẫn là một trong những địa phương chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào.
Bệnh nhân 418 tử vong sau khi có kết quả xét nghiệm 4 lần âm tính với SARS-CoV-2
Tối 18/8, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp bệnh nhân số 418.
Cụ thể, bệnh nhân 418, nam giới, 61 tuổi, địa chỉ Phường Thanh Bình, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
Bệnh nhân có tiền sử COVID-19, tăng huyết áp, suy thận mạn tính, đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bệnh nhân đã được xét nghiệm âm tính 4 lần với SARS-CoV-2 vào ngày 04/8, 10/8, 11/8, 12/8. Chiều ngày 12/8, bệnh nhân tử vong do các biến chứng của suy thận mạn tính tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Chẩn đoán khi tử vong, bệnh nhân choáng nhiễm trùng nhiễm độc, suy đa tạng không phục hồi, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
20 bệnh nhân mắc COVID-19 tiên lượng rất nặng và nguy kịch
Ngày 18/8, Bộ Y tế tổ chức buổi hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân COIVD-19 giữa các chuyên gia đầu ngành tại các điểm cầu trực tuyến trên cả nước.
Tại buổi hội chẩn, Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 và Hội đồng chuyên môn tổ chức cho biết, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị có khoảng 20 bệnh nhân COVID-19 tiến triển rất nặng với 3-4 bệnh nền đi kèm như tim mạch, tiểu đường, suy tủy, thận nhân tạo… phải thở máy, ECMO.
Cụ thể, có 13 ca tiến triển rất nặng, 7 ca tiên lượng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Các bệnh nhân nặng tập trung tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm y tế Hòa Vang...
Đại diện Trung tâm y tế Hòa Vang cho biết, tại đây đang điều trị nhiều ca bệnh, trong đó có vài bệnh nhân đang trong tình trạng nặng hơn với các triệu chứng khó thở trên nền suy thận mạn.
TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai đang hỗ trợ tại trung tâm cho biết, hiện có 10 bệnh nhân điều trị hồi sức, trong đó có 5 bệnh nhân thở máy, nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cao, sức khỏe kém. Trung tâm đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử chuyên gia dinh dưỡng giỏi vào hỗ trợ điều trị nâng cao thể trạng cho những bệnh nhân suy kiệt do phải nằm viện lâu ngày.
Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, có 2 bệnh nhân phải sử dụng ECMO, đó là BN 416 và BN 742. Hai bệnh nhân được hội đồng chuyên môn đề nghị xem xét vấn đề nhiễm trùng bệnh viện, tìm nguyên nhân xem xét vấn đề kháng kháng sinh đối với một số vi khuẩn bệnh viện. Qua phân tích các chuyên gia nhận thấy tình trạng của bệnh nhân này khá giống với ca bệnh 91.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) hiện có 2 bệnh nhân nặng đang phải thở máy, trong đó bệnh nhân có tiền sử COPD hơn 10 năm và trên nền ung thư miệng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 có 3 bệnh nhân nặng, trong đó nặng nhất là BN 812 đang được theo dõi sát.
Các chuyên gia tập trung vào hội chẩn các ca bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều bệnh lý nền, phải thở máy, ECMO và đề nghị các bệnh viện tập trung vào kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; sử dụng hệ thống để đảm bảo không khí được lưu thông.
Hiện đã có khoảng 30 nhân viên y tế dương tính trong đợt dịch COVID-19 này, do đó các chuyên gia khuyến cáo Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nói riêng và các bệnh viện trên cả nước nói chung cần đặc biệt quan tâm đến kiểm soát lây nhiễm, lau, khử khuẩn các bề mặt bệnh phòng, cầu thang, giường bệnh…
Đồng thời các chuyên gia cũng lưu ý trang phục bảo hộ nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị trước tình trạng xuất hiện một số loại khẩu trang giống với khẩu trang N95 không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn