TS. Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, BN Nguyễn Thị Lan, 28 tuổi (quê Thái Bình), nhập viện ngày 17/05/2014 trong tình trạng hôn mê, không tiếp xúc được, bí tiểu tiện, trên da có các ban dạng sởi ở mặt, rối loạn vận động và tăng trương lực cơ chi trên,…
Trước đó khoảng 10 ngày, BN có sốt nhẹ, ho, điều trị tại nhà nhưng không đỡ, sau đó xuất hiện nhiều ban ở mặt, rải rác ở chân tay, ngực bụng. BN đến khám tại BVĐK huyện Vũ Thư, rồi được chuyển lên BVĐK tỉnh Thái Bình với chẩn đoán nghi sởi. Tại đây, BN đau đầu nhiều và đã được làm xét nghiệm, chọc dịch não tủy cho thấy có biến loạn: protein 1,2 g/l (bình thường là <0,45 g/l), tế bào 200/mm3, 90% là tế bào lympho (bình thường <5 tế bào). BN hôn mê không tiếp xúc được, diễn biến bệnh không cải thiện nên được chuyển lên BV Bạch Mai.
Điều tra tiền sử và dịch tễ học của BN cho thấy ở địa phương đang có nhiều người mắc sởi. Trong gia đình cũng có em gái mới mắc sởi trước đó 2 tuần. BN không nhớ đã tiêm vắc xin sởi hay chưa.
“Với BN này, ban đầu nhập viện không thấy có triệu chứng gì về hô hấp mà chủ yếu là triệu chứng về thần kinh, chọc dịch não tủy có biến loạn, hôn mê, bí tiểu, đau đầu, tăng trương lực cơ…. Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán sởi IgM dương tính, chụp cộng hưởng từ sọ não chưa thấy tổn thương. Do đó, chúng tôi nhận định đây là ca bệnh sởi điển hình có biến chứng viêm não- màng não đầu tiên trong vụ dịch này tại Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai”- TS. Đỗ Duy Cường nhận định.
Cũng theo TS. Cường, từ đầu năm đến nay, Khoa truyền nhiễm đã điều trị nội trú cho khoảng 150 BN người lớn mắc sởi cần phải nhập viện. Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, phát ban, viêm long kết mạc, ho, tiêu chảy, khám miệng thấy hạt Koplik điển hình. Tuy nhiên, sởi ở người lớn tương đối lành tính, tất cả đều khỏi ra viện, không có ca nào tử vong. Đây là một điều khác biệt so với sởi ở trẻ em. Khoảng 30% có biến chứng, chủ yếu là viêm phế quản phổi, viêm - xuất huyết kết mạc, tiêu chảy, hạ tiểu cầu, tăng men gan... Sau khi điều trị, các ban sởi cũng như các biến chứng này sẽ hết sau khoảng 7-10 ngày. Các biện pháp điều trị chủ yếu vẫn là chữa triệu chứng như hạ sốt, giảm ho, vệ sinh răng miệng, vitamin A, hạ men gan, truyền dịch nâng cao thể trạng,... Trong trường hợp bội nhiễm có thể dùng kháng sinh, hiếm khi phải dùng globulin miễn dịch.
Tuy nhiên, qua trường hợp BN Lan có biến chứng viêm não, khi thấy các dấu hiệu đau đầu, nôn, rối loạn ý thức nên nghĩ đến viêm não, cần tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết để có hướng điều trị vào theo dõi kịp thời, tránh tử vong. Ở trẻ em mắc sởi nếu xuất hiện biến chứng viêm não thường là nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng thần kinh muộn. Do đó, với BN mắc sởi biến chứng viêm não, đặc biệt là trẻ em đã được điều trị thành công cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các di chứng thần kinh muộn (sau khoảng 10 năm) có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Theo Sức khỏe và Đời sống