Hàng loạt trẻ em bị sốt xuất huyết (SXH) nhập viện, chưa bao giờ dịch lại diễn biến bất thường và nhiều ca biến chứng nặng đến vậy.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ bị mắc SXH, phụ huynh cần theo dõi chặt và đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Tăng cao bất thường
Tại Khoa Nhi của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư, mỗi ngày có khoảng 20 trẻ đến khám vì SXH, trong số đó có 7 - 8 ca phải nhập viện, những ca nhẹ hơn được chuyển xuống tuyến dưới. Hiện, ở đây có 20 bệnh nhi nằm điều trị, 4 - 5 ca nặng. Còn Khoa Nhi, BV Đa khoa Hà Đông mỗi ngày tiếp nhận 20 - 25 bệnh nhi. Theo lãnh đạo BV, thời điểm này tuy chưa đến đỉnh dịch, nhưng số bệnh nhân vào viện đã rất đông. Thời tiết Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu mưa, nắng thất thường kéo dài sẽ rất khó dập dịch.
Riêng BV Nhi T.Ư, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay, số trẻ đến khám SXH tăng cao gần 10 lần, với 185 trẻ. Trong đó hiện có 28 bệnh nhi điều trị nội trú. Đáng chú ý, 5 bệnh nhi trong số này có dấu hiệu cảnh báo vì đã bị biến chứng. Còn tại BV E, TS Lương Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp cho biết, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận và điều trị cho 30 - 40 trường hợp bệnh nhân nhi mắc các bệnh như sốt virus, cúm, tiêu chảy do rotavirus… Riêng bệnh nhi SXH, có những đêm Khoa tiếp nhận đến 6 trường hợp. Tại Khoa Nhi hiện có 18/42 bệnh nhi đang điều trị SXH, trong đó có một trường hợp 7 tuổi (ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc SXH nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi. Tuy nhiên, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng. Các bác sĩ ở Khoa Nhi căng mình ra túc trực bên bệnh nhi theo dõi sát sao 24/24 giờ, áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt. Đến ngày thứ 8, bệnh nhi mới có dấu hiệu phục hồi, ăn, ngủ được và cắt sốt, tràn dịch màng bụng giảm, các chỉ số sinh hóa dần về bình thường.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Tại Hà Nội, tính đến thời điểm này, toàn TP ghi nhận 8.982 trường hợp mắc SXH, số bệnh nhân đã khỏi là 7.881 (chiếm 87,7%), số ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới) là 900 (chiếm 74%). |
Theo các bác sĩ, SXH là một bệnh rất nguy hiểm. Tuy nhiên, biểu hiện bệnh lại không rõ ràng khiến nhiều bậc cha mẹ dễ dàng bỏ qua. TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư cho rằng, bệnh SXH sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy, các bậc phụ huynh phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc SXH nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong. Thực tế, BV Nhi T.Ư đã tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều bệnh nhi do phát hiện muộn, gia đình tự điều trị nhưng không khỏi, đến khi đến cấp cứu thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Chỉ rõ dấu hiệu bệnh, TS Nguyễn Văn Lâm cho biết, thông thường bệnh khởi phát với biểu hiện sốt cao đột ngột ở những trẻ trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Sốt kéo dài 2 - 7 ngày kèm theo các biểu hiện: Đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Trong một số trường hợp, trẻ xuất hiện đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Trẻ nhũ nhi có thể có kèm triệu chứng ho sổ mũi hay tiêu chảy. Vào thời điểm này, những triệu chứng bệnh thường không đặc hiệu, không thể phân biệt với các loại sốt do virus khác. Vào ngày thứ hai của bệnh, trẻ thường có thêm các biểu hiện xuất huyết như: Xuất huyết ngoài da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa. Từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh, sốt bắt đầu hạ xuống mức 37,5 - 380C hoặc thấp hơn. Một số bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: Lừ đừ, mệt mỏi, nôn nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to. Những trường hợp diễn biến đến sốc SXH (với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹt không đo được) phải nhập viện cấp cứu ngay.
TS Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, khi bị trẻ sốt >38,50C cần cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 - 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 - 6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật. Tuyệt đối không dùng Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ, vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, không nên cạo gió, cắt lễ vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Không cho trẻ SXH truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện.
Phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban Sốt xuất huyết (SXH) và sốt virus có dấu hiệu giống nhau. Tuy nhiên, SXH nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì có thể dẫn tới những nguy hiểm cho tính mạng. Vậy, làm thế nào để phân biệt các loại sốt này? Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Nhi, BV Bạch Mai, sốt phát ban có nhiều bệnh và tác nhân gây bệnh khác nhau, nhưng tựu trung có sốt và phát ban. Sốt phát ban chủ yếu gặp ở nước ta là bệnh sởi, Rubella do virus gây ra và bệnh do Rickettssia, trong đó ở Việt Nam hay gặp nhất là bệnh sốt mò. Phương thức truyền bệnh của bệnh sởi và bệnh Rubella là lây theo đường hô hấp, còn bệnh sốt mò môi giới truyền bệnh là do mò đỏ, còn SXH là do muỗi đốt. Nhiều bệnh nhân không nghĩ đến SXH ngay từ lúc đầu mà nhầm lẫn SXH với các bệnh lý tương tự như sốt phát ban, sốt virus, dẫn đến nhập viện muộn khiến bệnh càng nặng thêm. Thậm chí, nhiều trường hợp thuốc hạ sốt có chứa thành phần paracetamol không đúng liều lượng nên khi xét nghiệm phát hiện men gan tăng cao bất thường. SXH với sốt phát ban, sốt virus trong 2 - 3 ngày đầu có triệu chứng khá giống nhau. Kể cả khi đã xuất hiện ban (thông thường từ 1 - 3 ngày sau sốt), nếu không để ý cũng rất dễ nhầm lẫn do các bệnh này đều xuất hiện ban trên da. Sau đây là những dấu hiệu nhận biết: Sốt phát ban thông thường: Sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bị phát ban, đây là hồng ban dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu tích gì trên da. Vì vậy, chúng ta dùng tay căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ), nếu thấy chấm đỏ đó mất đi là sốt phát ban. SXH biểu hiện đầu tiên của bệnh là tình trạng sốt cao 39 - 40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3 - 4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Chúng ta dùng tay căng vùng da có chấm đỏ nếu vẫn thấy chấm li ti thì đó là SXH. Ngoài ra, người bệnh SXH có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, ói hoặc đi cầu ra máu… Còn theo TS Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, những trường hợp đã từng mắc SXH vẫn có thể mắc lại, vì tại Việt Nam có 4 tuýp huyết thanh khác nhau, người mắc tuýp này rồi vẫn có thể mắc SXH tuýp khác ở lần mắc sau. Khi có triệu chứng của bệnh SXH, không nên truyền dịch hay đạm vì dễ bị sốc. Bệnh nhân không tự điều trị tại nhà dễ gây biến chứng. Đoàn Hải Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH - Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. - Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước… - Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... - Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. - Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. |
Theo Kinh tế đô thị